Đặt đồng hồ báo thức có thể ảnh hưởng tim mạch

Sử dụng đồng hồ báo thức để dậy đúng giờ, nhất là để tiếng càng to sẽ giúp việc đánh thức trở nên dễ dàng. Theo các chuyên gia, đây là cách làm bất đắc dĩ bởi tiếng chuông báo thức sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Đặc biệt với người trung và cao tuổi, quá trình này có thể làm tăng huyết áp, gây nên những bất ổn về thần kinh, nguy cơ đột quỵ…

Cắt ngang chu kỳ ngủ gây mệt mỏi

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khỏe tâm thần TƯ, sở dĩ nên hạn chế đặt đồng hồ báo thức là dựa vào các chu kỳ giấc ngủ. Theo đó, giấc ngủ của chúng ta chia thành nhiều chu kỳ sinh học và mỗi chu kỳ lại gồm giai đoạn ngủ nhanh ngủ chậm có độ sâu khác nhau.

Thường mỗi chu kỳ kéo dài từ 60 đến 90 phút. Để nghỉ ngơi được đầy đủ thì cần ngủ 4 chu kỳ sinh học mặc dù thông thường thì giấc ngủ kéo dài 6 chu kỳ sinh học. Khi cắt ngang giấc ngủ trong thời gian một chu kỳ sinh học, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Đặt đồng hồ báo thức có thể ảnh hưởng tim mạch.

Đồng quan điểm, BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Viện Quân y 103 cho hay, khi cơ thể đang chìm vào giấc ngủ sâu thì đánh thức đột ngột bởi những tiếng reo to sẽ có nhiều tác động đến sức khỏe hơn những gì chúng ta nhìn nhận thấy trước mắt. Đầu tiên là sự giật mình, sau đó cảm giác hoảng loạn xảy ra dù với một vài người nó chỉ diễn ra nhanh chóng.

Nhưng các ghi nhận cho thấy, sau khi tỉnh dậy bằng tiếng chuông báo thức lớn ngay gần tai sẽ gây ra những ảnh hưởng đến tâm lý của người đó như cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong người, dễ cáu gắt, thậm chí không có hứng thú với các việc cần làm.

“Hiện nay có thể thay thế đồng hồ báo thức bằng chế độ báo thức của điện thoại di động. Thiết bị này không những giúp chúng ta điều chỉnh âm thanh vừa đủ mà có chế độ nhắc lại nếu chúng ta chưa nghe, dậy được lần báo chuông đầu tiên. Tuy nhiên để an toàn, nên đặt điện thoại sang bàn, kệ sát giường, tránh để trên giường”.

BS Phạm Thái Nguyên

Ảnh hưởng tim mạch người lớn tuổi

Theo các chuyên gia, điểm đáng nói của tiếng chuông đồng hồ báo thức ảnh hưởng đến sức khỏe phải nhắc đến chính là ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch. Nhất là với người trung và lớn tuổi, khi tiếng chuông vang lên đồng nghĩa cơ thể phải chịu một áp lực dẫn đến tăng huyết áp. Với người vốn cao huyết áp, sự tác động này có thể dẫn đến tăng đột ngột, nếu thành mạch không đáp ứng được sự đàn hồi, bơm máu có thể đến nguy cơ đột quỵ.

“Không chỉ là tiếng chuông báo thức mà khi chúng ta đang ngủ nếu bị đánh thức dậy một cách bất ngờ sẽ nhận thấy rằng tim đập nhanh, hoảng hốt, cơ thể run rẩy, mệt mỏi đến khó ngủ lại”, BS Phạm Thái Nguyên cho biết.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, từ những yếu tố trên chúng ta nên không nên thức giấc theo đồng hồ báo thức mà nên thức giấc theo “đồng hồ sinh học”. Tức cần cân đối thời gian đi ngủ sao cho phù hợp với các chu kỳ để thức dậy vào cuối mỗi chu kỳ. Lúc này, cơ thể không những tỉnh táo, khỏe mạnh mà còn có năng lượng cho ngày mới.

Ví dụ đi học, đi làm sớm thì nên đi ngủ sớm để thức dậy được dễ dàng. Đặc biệt nên tạo nên một thói quen sinh lý về giờ dậy, điều này có thể xảy ra ở cả người già lẫn trẻ. Như thường xuyên dậy sau khi ngủ đủ giấc vào một giờ nào đó thì ngày nào cũng có thể dậy đúng giờ mà không cần dùng đồng hồ báo thức.

Trường hợp nếu vẫn cần dùng đồng hồ báo thức nên phân bố thời gian như thế nào để thức giấc vào cuối một chu kỳ sinh học nào đấy. Tức cần sự kết hợp giữa giờ đi ngủ và đồng hồ. Ngoài ra, nên để đồng hồ báo thức có tiếng nhỏ hoặc vừa phải, đặt đồng hồ xa đầu giường.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top