Đảo Ngọc gồng mình trước kiếp nạn rác

(khoahocdoisong.vn) - Phần đẹp nhất, sang trọng và thơ mộng nhất của Phú Quốc, dĩ nhiên là ở các resort và bãi tắm phía An Thới. Nhưng phần còn lại, dễ gặp hơn nhiều, là rác.

Phú Quốc bây giờ rất giàu… rác. Rác nhiều đến nỗi hiện diện ở mọi nơi. Bãi biển, dòng sông, trên bờ, trên núi, trong rừng… đều có rác. Rác quăng tứ tung bởi người dân thiếu ý thức, và cũng có núi rác chất đống do quy hoạch và quản lý luôn yếu kém.

Có một thiên đường, nhưng là của... rác

Phú Quốc giờ được gọi là thiên đường du lịch. Nhưng đó chỉ là cách gọi của những người tới Phú Quốc theo tour cao cấp, đến những resort, tắm biển và tắm hồ bơi trong khuôn viên biệt thự thuê riêng, ăn nhà hàng và chơi các thú vui xa xỉ khác.

Với nhiều người khác, trong đó có tôi, Phú Quốc là thiên đường của… rác. Đáng sợ là, rác tại Phú Quốc đang tăng tịnh tiến cùng kinh tế du lịch của đảo, và chỉ giảm sơ bộ khi thấp điểm về du lịch.

Rác Phú Quốc được chất đống, và chưa tìm ra lối thoát. Từ lâu, rác đã là áp lực cực lớn với Phú Quốc. Rác ở khắp nơi, tràn lan, và có nguyên nhân không chỉ từ ý thức yếu kém của người dân. Mà chủ chốt nhất là từ năng lực thu gom, xử lý rác của địa phương. Một cách đơn giản, có nỗ lực lắm, Phú Quốc cũng chỉ dọn được phần nào lượng rác hàng ngày. Phần còn lại, đương nhiên sẽ sống chung với người Phú Quốc, chất đống và trôi nổi khắp nơi trên đảo.

Dương Đông - con sông chính của Phú Quốc thật ra rất nhỏ – chỉ cỡ như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TPHCM. Dù nhỏ vậy, lại gần biển, nhưng sông Dương Đông cũng không thoát kiếp nạn rác. Sông Dương Đông hứng nhiều nhất là rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa do một bộ phận người dân xả ra. Và thường xuyên, con sông ấy bốc bùi hôi thối rất kinh khủng vì rác phân huỷ.  

Không chỉ trên sông mà trong rừng cũng đầy rác. Trước đây, khi làm phóng sự ở Phú Quốc, tôi từng băng một đoạn rừng ở Vườn Quốc gia Phú Quốc, và nhận thấy có rất nhiều chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, vỏ lon bia vứt lăn lóc. Tình trạng này càng kéo dài thì hệ động thực vật rừng tại Phú Quốc càng bị đe doạ.

Chợ đêm Phú Quốc cũng là nơi phát sinh rác. Rác hữu cơ từ đồ ăn thừa hay rác vô cơ chủ yếu là vỏ lon, vỏ hộp, chai nhựa và khăn ăn có thành phần nilon khá nhiều. Tôi quan sát và không tìm thấy cửa hàng ăn uống nào hoạt động theo kiểu “sống xanh” ở Phú Quốc.

Toàn bộ rác phát sinh mỗi ngày ở Phú Quốc khoảng 180 tấn. Về lý thuyết, tất cả số rác này sẽ tập kết về bãi rác Đồng Tràm (Cửa Dương) để “xử lý”. Trước đây, UBND tỉnh Kiên Giang chọn Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện Phú Quốc.

Trên giấy tờ, nhà đầu tư cam kết xây dựng dây chuyền công nghệ xử lý rác thải đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Nhưng thực tế, theo phản ảnh của người dân, nhà máy hoạt động không hiệu quả, nước rỉ rác vẫn chảy ra Suối Cây Bàng, gây ô nhiễm cuộc sống của người dân, làm chết cá tôm tự nhiên, và chảy ra biển.

Một cách làm nghiệp dư

Sau khi Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu bị thu hồi dự án Nhà máy xử lý rác thải do không thể xử lý được rác của Phú Quốc, núi rác trên bờ của huyện đảo ngày càng cao hơn. Nước rỉ rác và đủ thứ ô nhiễm khác từ rác đã tác động đến Khu bảo tồn biển Phú Quốc ngày càng nhiều hơn.

Hai bãi rác tên Ông Lang và An Thới của Phú Quốc hiện nay đều quá tải. Muốn đổ rác phải gom rác cũ lại cao hơn cho có chỗ trống để đổ rác mới. Cũng có một số rác được “xử lý” theo mô hình… vựa ve chai theo hình thức nhỏ lẻ. Nhưng rõ ràng là, phương án xử lý này hoàn toàn không giải quyết được vấn đề rác của Phú Quốc.

Một đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ tin rằng, Phú Quốc chỉ cần chừng 5ha đất và công nghệ đốt có đường lọc bụi đủ quy chuẩn, kèm hai năm triển khai, là có thể giải quyết vấn đề, dù lượng rác Phú Quốc có thể tăng gấp đôi, gấp ba trong vòng 10 năm nữa.

Nhưng cũng có thông tin về việc đơn vị xử lý rác mới tại Phú Quốc sẽ chọn cách gom rác về đất liền để xử lý. Nói cách khác là chở rác đi chỗ khác – dù tốn kém hơn hẳn - để Phú Quốc đóng nốt vai “đảo ngọc” về du lịch. Chưa rõ hiện có địa phương nào rộng lòng tiếp nhận rác từ Phú Quốc.

Rác được xử lý kiểu... ve chai ở Phú Quốc.

Rác được xử lý kiểu... ve chai ở Phú Quốc.

Thực ra, Phú Quốc không là “thiên đường” du lịch duy nhất chọn cách chở rác về đất liền xử lý. Ít nhất cũng một hòn đảo khác đã làm tương tự, đó là Côn Đảo. Nhưng chi phí khoảng 35 tỷ đồng để đem toàn bộ số rác tại Côn Đảo về đất liền xử lý, thì từng đó tiền cũng có thể làm một nhà máy xử lý rác riêng, đủ cho sự gia tăng rác của Côn Đảo trong ít nhất 10 năm nữa.

Những khó hiểu tại Phú Quốc hay Côn Đảo cũng không phải chuyện hiếm gặp trong xử lý bài toán rác thải đang phình ra mỗi ngày tại các địa phương. Một tỉnh Đông Nam Bộ đã từ chối đề nghị không tính tiền phí xử lý rác của một doanh nghiệp dùng công nghệ của Pháp. Khó hiểu hơn nữa là doanh nghiệp xử lý rác ấy cũng ngại nói với báo chí về lời từ chối ấy, chỉ với lý do sợ khó làm ăn về sau. Toan tính thiệt hơn là việc các nhà quản lý và doanh nghiệp. Với người dân, không bị tính phí xử lý rác là điều lợi nhất có thể. Và vì thế, việc lợi cho dân mà vẫn bị từ chối, thì quả là quá khó hiểu.  

Người ta có thể vẽ tương lai một Phú Quốc huy hoàng, hệt như những MaCao, Thâm Quyến, hay HongKong. Những mô hình ấy, cũng có thể áp dụng thành công ở Vân Đồn và Bắc Vân Phong? Nhưng cũng là thực tế, tương lai ấy sẽ chỉ là “bánh vẽ”, nếu ngay cả việc xử lý rác Phú Quốc cũng không tự thực hiện được cho mình.

Hạ tầng xử lý rác nói riêng và hạ tầng quy hoạch nói chung của những thiên đường du lịch, trong đó có Phú Quốc, đang rất tệ. Đó là một thực tế. Vấn đề là có ai động lòng và thừa nhận điều đó hay không mà thôi.

Theo Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
back to top