Danh sĩ Hồ Sĩ Đống

Danh sĩ Hồ Sĩ Đống (1739 – 1785),

Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An.

Một dòng họ nhiều nhân tài

Quỳnh Lưu là một địa danh văn hóa phát xuất nhiều nhân tài, có ba họ lớn là họ Hồ, họ Hoàng và họ Vũ. Dòng dõi họ Hồ Quỳnh Lưu với những tên tuổi như Trạng nguyên Hồ Hưng Dật thế kỷ thứ 10, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích không thua kém gì họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Trường Lưu, Phan Thu Hoạch, hay Ngô Tả Thanh Oai.

Họ Hồ  Quỳnh Lưu có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to như Hồ Bỉnh Quý – Tiến sĩ Đệ Nhị Giáp 1577; Hồ Sĩ Dương  – Tiến sĩ Đệ Tam giáp 1652; Hồ Phi Tích – Tiến sĩ đệ nhị giáp 1700;  Hồ Sĩ Tân – Tiến sĩ Đệ Tam Giáp 1721.

Được biết, Quang Trung Nguyễn Huệ (1753 – 1792) là con Hồ Phi Phúc; quan Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống (1739 – 1785); nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) và tú tài Hồ Phi Hội (1802 – 1875) cùng đời thứ 12, có cùng một ông tổ đời thứ 8 là Hồ Sĩ Anh (theo gia phả Hồ Phi Hội, Thư viện Hoàng Xuân Hãn, Paris).

Ngày nay chúng ta chỉ còn biết ba đời, ông tổ ba đời Nguyễn Huệ là Hồ Thế Viêm, con Hồ Sĩ Anh, sinh Hồ Phi Khang, Hồ Phi Khang sinh Hồ Phi Phúc, di dân vào ấp Tây Sơn, Bình Định, đổi họ Nguyễn và sinh ba anh em Nguyễn  Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Hồ Sĩ Đống là con ông Hồ Sĩ Danh (1704 – 1783) đỗ Giám sinh, có 5 anh em trai: Hồ Sĩ Dược, con trưởng đỗ Tứ trường thi Hương; Hồ Sĩ Đống; Hồ Sĩ Thích, đỗ Tam trường; Hồ Sĩ Trù, sinh đồ; Hồ Sĩ Hữu, đỗ khoa Liệu sử khả, đời Gia Long, được bổ làm Tri huyện.

Chuyến đi sứ cam go

Khoa Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, Hồ Sĩ Đống đỗ Hội nguyên. Khoa này không có Trạng nguyên, người đỗ đầu là Hoàng giáp, nên còn gọi là Song nguyên Hoàng giáp.

Tên Đống có nghĩa là đòn dông, nóc nhà, còn có nghĩa là người có tài gánh vác được việc quan trọng đất nước, bậc lương đống…

Năm Giáp Ngọ (1774), ông được bổ làm Bố chính Kinh Bắc. Không lâu sau, ông trở về Thăng Long, rồi làm án sát Hải Dương.

 Năm 1777, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, Chánh sứ là Võ Khâm Tự (1736 -1778) còn có tên Võ Trần Thiệu, Võ Trần Tự. Phó sứ thứ hai là Nguyễn Trọng Đương.

Khởi hành tháng giêng năm Mậu Tuất 1778, mùa thu tháng 8 tới Yên Kinh, và mùa Đông lên đường trở về nước. Trong lần đi sứ này, Võ Khâm Tự được mật chỉ chúa Trịnh Sâm, gọi đến dinh Trung Hòa đường dặn dò, trao quốc thư: xin vua nhà Thanh phong vương thay vua Lê, lấy lý do nhà Lê nay con cháu chẳng còn ai xứng đáng.

Võ Khâm Tự biết ý chúa Trịnh không thể từ chối được, nhưng không thể làm điều ấy. Khi đến hồ Động Đình, tháng 6 năm Mậu Tuất, Võ Khâm Tự họp mật cùng Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đương dặn bảo mọi công việc, ông đem chiếu chỉ chúa Trịnh Sâm ra đốt, làm tờ khải, tờ bẩm để lại và tự tử trên thuyền.

Hồ Sĩ Đống đi sứ về không nói gì với chúa Trịnh Sâm, chúa Trịnh Sâm đành im đi không hỏi đến.

(còn nữa)

Nguyễn Bảo Nam

Theo Đời sống
back to top