Đánh giầy “gia truyền”

Hơn 17 tuổi, Thư rời quê nhà Quảng Thái (Quảng Xương) kiếm sống, năm nay anh 36 tuổi và có thâm niên nghề đánh giầy 12 năm; con trai cả của Thư năm nay 16 tuổi và cũng là đồng nghiệp của bố được 3 năm.

Xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương) là một xã nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Gia đình Thư có 3.000m² ruộng, trong đó có sự ưu tiên suất của người bố là thương binh bậc 2/4 nhưng cũng chỉ canh tác được 1 vụ lúa/năm và theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ có các hộ có từ 3ha đất ruộng trở lên mới có nguồn thu nhập chính trên mức nghèo từ trồng lúa.

Ra khỏi nhà từ 6h sáng hằng ngày với đồ nghề vừa đủ trong chiếc làn nhựa xách tay gồm dép xốp, bàn chải, xi đánh giày. Vợ của Thư cũng ra Hà Nội bán hàng rong với chiếc xe đạp như cửa hàng di động qua các ngõ phố.

Cuộc mưu sinh của chàng trai từ nông thôn không nghề nghiệp ra thành thị chỉ là bán sức lao động để kiếm tiền. Thư lăn lộn từ Sài Gòn với nghề cửu vạn được 3 năm nhưng thu nhập cũng không đủ mỗi tháng 1 triệu gửi về giúp gia đình vì công việc lúc có, lúc không.

Chạy xe ôm cũng không khá khẩm hơn khi nghỉ chạy là hết tiền. Đánh giày là lựa chọn tiếp theo. Thư thuê phòng trọ khoảng 10m² cho hai vợ chồng và đứa con trai đầu sinh năm 2001 tá túc trong ngõ hẹp ở đường Láng (Hà Nội) với giá hơn 2 triệu đồng tính cả tiền điện, tiền nước.

Địa điểm đánh giày của hai bố con – đồng nghiệp chỉ cách nhau con phố 4 làn đường. “Em cố gắng tiết kiệm tiền để cho thằng đầu học nghề hàn xì” – câu trả lời, mong ước của Thư cho câu hỏi về việc cho con trai học nghề để thay đổi cuộc sống sau này.

“Mấy tháng hè, cả ngày em chỉ đánh được hơn chục đôi vì mọi người đi dép…”. Hè cũng là thời gian đứa con thứ 2 của vợ chồng Thư được gần bố mẹ nhiều nhất vì nghỉ hè chúng được ra Hà Nội.

Kiếm sống ở nơi đất chật người đông như Hà Nội gần 7 năm nhưng chưa một lần hai vợ chồng bước chân vào rạp xem phim, hồ Hoàn Kiếm ngang dọc như thế nào cũng không rõ. Địa chỉ “ăn chơi” là vườn bách thú mới là lần đầu khi thực hiện lời hứa với đứa con thứ hai đang học lớp 3.

Theo dự báo của Oxfam Việt Nam, sẽ có 5 triệu dân di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, tuy vậy tới 90% số người lao động di cư không được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ vì có hơn 80% số người lao động di cư có đem theo con tới nơi đến, và không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các nhóm con của người di cư.

Hải Nguyễn

 (theo Lao động)

Theo Đời sống
back to top