Đăng tin sai phạm, phải được phép của công ty!?

Sau khi báo Khoa học & Đời sống đăng tải bài viết liên quan đến việc Công ty TNHH An Minh Southern quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) Smarto “Lừa đảo bệnh nhân dạ dày”. Đại điện Công ty này tuyên bố: Không quan tâm thông tin báo chí.

Hàng loạt quảng cáo TPCN Smarto có tác dụng chữa bệnh.

Công ty không cho phép báo đăng

Ngày 12/10, PV báo Khoa học & Đời sống liên hệ đến Công ty TNHH An Minh Southern (địa chỉ tại số 105, Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10, Tp.HCM) theo số điện thoại 0888149939. Một nhân viên của Công ty này kết nối đến người phụ trách truyền thông. Sau đó, nữ nhân viên phụ trách dùng số điện thoại di động số 0968540939 đề nghị PV gửi nội dung làm việc qua địa chỉ mail anminh.anminh@gmail.com.

Ngày 13/10, PV liên hệ lại với đơn vị này theo số di động nêu trên để hỏi về việc trả lời báo chí. Một người đàn ông xưng tên Hoàng – đại diện pháp luật nhấc máy. Khi PV hỏi về việc trả lời thông tin báo chí. Ông Hoàng đã tuyên bố (lược dẫn): Báo chí đăng thông tin trong khi chưa được phép của công ty là không đúng. Công ty cũng không quan tâm đến thông tin đăng trên báo lá cải không có phép. Nếu thích làm việc thì đến địa chỉ 105, Trần Thiện Chánh.

PV giải thích, phía Công ty không có thẩm quyền, chức năng cho hay không cho phép báo chí đăng tải bài viết, ông Hoàng tái khẳng định: Công ty có giấy phép hoạt động đường hoàng và không quan tâm đến thông tin mà báo chí đăng tải. Mặt khác, ông Hoàng cũng cho rằng, có thể thông tin trên mạng do các nhà thuốc tự quảng cáo hoặc do đối thủ cạnh tranh.

Công ty TNHH An Minh Southern tuyên bố: Không quan tâm thông tin báo chí

Bộ Y tế sẽ kiểm tra

Trao đổi với báo Khoa học & Đời sống, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ mà quảng cáo điều trị bệnh là không đúng. Đề nghị báo chí cung cấp thông tin, Cục sẽ xử lý.

Theo Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định quảng cáo liên quan đến các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế. Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo và Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội quy định rất rõ: Không quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị bệnh hoặc gây hiểu nhầm sản phẩm đó có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư tín, thư cảm ơn của dược sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh để quảng cáo sản phẩm.

Ngoài ra, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các cá nhân, tổ chức nếu quảng cáo sản phẩm không đúng với tác dụng thực tế thì bị cơ quan chức năng xử phạt, có thể thu hồi giấy phép. Đối với cá nhân vi phạm, có thể xem xét khởi tố hình sự.

Cao Sơn

Theo Đời sống
back to top