Đằng sau nghề bán… thớt

Thớt nghiến Mộc Châu (Sơn La) đã trở thành “đặc sản làm quà”  cho những du khách qua vùng Tây Bắc, và những người làm nghề bán thớt cũng nhờ đó mà ăn nên làm ra. Nhưng ít ai biết rằng, để có được những thớt nghiến bán búa xua khắp cao nguyên kia, là bao nhiêu hecta rừng bị tàn phá.

Bán thớt ven quốc lộ 6.

Đột nhập “thủ phủ”… thớt

Men theo quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu, “thủ phủ” thớt nghiến nằm ở tiểu khu 14 chạy dài lên sườn núi qua khu vực 82. Tại đây, hầu hết các quán hàng đều dựng một tấm thớt nhỏ ghi chữ “thớt đẹp” đặt ven đường hoặc nơi bắt mắt nhất để khách hàng chú ý.

Chúng tôi dừng xe tại một quán bán nước ngọt kiêm bán thớt nghiến ở tiểu khu 14. Bà chủ quán thấy khách đã chạy ra lấy quạt mo quạt lấy quạt để lấy lòng khách. Đoạn bà bảo: “Vào uống nước đi rồi xem thớt, thớt ở đây là nhất rồi, vừa đẹp, bền lại rẻ”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn xem thớt, bà chủ quán dẫn vào phía trong rồi lôi dưới bể nước cạn một bao tải lớn. Phía bên trong có hơn chục cái thớt nghiến nhỏ đường kính khoảng 20 – 25cm. Chưa hết, bà ta tiếp tục lôi một bao tải khác rồi bảo: “Đây là thớt to hơn, vanh 30, 40 cũng có, các chú thích loại nào chị chiều hết”.

“Chúng tôi thấy bán thớt chẳng có gì xấu, chẳng qua vì miếng cơm manh áo mà thôi. Hơn nữa, nhà ai mà chẳng cần thớt phục vụ chế biến thức ăn. Cấm bán thớt thì thái thịt dưới đất à? Còn chúng tôi bán thớt chứ có vào rừng phá đâu mà bắt chúng tôi”, một chủ hàng bán thớt ở Mộc Châu cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, trong bể cạn nước đặt ngầm trong nhà có rất nhiều bao tải thớt ở phía dưới. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một số lượng lớn thớt nghiến về xuôi để bán và làm quà, bà chủ quán nói thẳng: “Muốn mua bao nhiêu cũng có, giá cả hợp lý thôi. Nếu mua số lượng lớn, thớt nhỏ chị bán 50 nghìn, thớt to tùy loại, trung bình 100 nghìn, thế bao giờ chú cần hàng?”.

Chúng tôi lấy lý do đi tham khảo giá rồi sẽ quay lại. Đến một quán bán thớt khác, ông chủ bảo: “Nếu mua thì tôi mang ra cho, to hay nhỏ, bao nhiêu cũng có. Chứ dạo này kiểm lâm làm gắt, ập vào bắt thì toi”. Ông chủ này cho hay, thớt nghiến Mộc Châu là đồ “xịn” 100% mà giá cả lại rẻ. Mỗi ngày ông bán được từ 3 – 5 chiếc cho du khách, còn vào dịp tết có ngày mấy chục cái, có khi “cháy” hàng.

Một chủ hàng thớt trả tiền mua thớt thô của người Mông.

“Chúng tôi mua lại của mấy anh Mông”

Theo lời một người bạn, chúng tôi chạy xe vượt qua tiểu khu14 đến một sườn núi. Quán bên đường được dựng tạm bởi những chiếc bạt rách, chủ quán là 2 phụ nữ trẻ, một người Hưng Yên và một người Hà Tây cũ lên lập nghiệp.

Họ mời mua thớt, chúng tôi đề cập thẳng thắn không mua thớt nhưng muốn nghe câu chuyện xoay quanh nghề bán thớt, và tiền sẽ được trả với giá bằng cái thớt to, họ chấp nhận.

Một trong hai người bảo: “Chúng tôi không có tiền mua đất nên phải mang thớt lên sườn núi ven quốc lộ 6 để bán. Chạy dọc vài cây số này có khoảng trên 20 quán bán thớt. Thớt nghiến chính hiệu chứ không phải hàng nhái gì đâu”.

Người phụ nữ kia tiếp lời: “Thớt to mua vào giá 70, nhỏ 30. Bán ra thớt to 100, thớt nhỏ 50. Nhưng cũng tùy mặt người mà hét giá. Có khi gặp khách tây bảo 500 nghìn họ cũng mua. Nhưng ở sườn núi bán không được chạy hàng như dưới phố, ở đây hay ế hàng lắm. Có khi cả ngày mới bán được 1 chiếc, không đủ tiền ăn trưa”.

Thớt các cô lấy ở đâu? – tôi hỏi, họ cho biết: “Chúng tôi mua lại của mấy anh Mông. Họ ở trong bản đó, khi có hàng thì họ gọi mình, mình mua thớt thô về bào nhẵn đánh bóng cho đẹp mắt rồi đem bán”.

Các cô có biết mấy anh người Mông lấy thớt ở đâu ra không? Họ trả lời: “Sao không biết, các anh ấy vào rừng chặt gỗ, cưa mỏng ra rồi cho ngựa thồ về, cậu muốn lấy gỗ, vào rừng, đầy”.

Hai người bán thớt còn cho biết, họ thường xuyên bị kiểm lâm huyện Mộc Châu bất ngờ đến kiểm tra, thu hồi thớt nghiến nhưng không lập biên bản. Vì thế, bây giờ họ không dám mang nhiều thớt ra quán mà cho vào bao tải khoảng 3 – 5 cái để bán dần. Phòng khi lực lượng chức năng ập đến thì “tuồn” hàng cho dễ.

Mỗi thớt nghiến nặng khoảng 5kg.

Thớt nghiến – Thương hiệu nhức nhối

“Thủ phủ” thớt nghiến cách Hạt kiểm lâm Mộc Châu không xa nhưng tình trạng buôn bán thớt vẫn diễn ra công khai nên khi chúng tôi trao đổi với ông Đào Mạnh Phong – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mộc Châu, ông Phong thừa nhận: “Có tình trạng buôn bán thớt và thớt nghiến đã trở thành thương hiệu nhức nhối ở Mộc Châu này”.

Tuy nhiên ông Phong cho rằng: “Tôi không khẳng định 100% là rừng Mộc Châu không bị phá nhưng thớt nghiến bán ở Mộc Châu không phải do gỗ rừng Mộc Châu bởi chúng tôi đã tập huấn cho chủ tịch xã, công an xã về việc kiểm tra rừng”.

Ông Phong cho hay, năm ngoái lực lượng kiểm lâm đã thu giữ nhiều thớt nghiến. Có đợt bắt được cả xe tải vận chuyển 800 cái thớt, trong năm ấy bắt tổng 2000 cái và tiền phạt lên tới 150 triệu đồng.

Ông Phong cũng cho biết ở tiểu khu 14 còn 24 hộ liên quan đến việc buôn bán thớt và việc kiểm tra, thu hồi không hề dễ. Theo ông Phong, nhiều hộ bán thớt vùi bao thớt xuống đất đá, lực lượng kiểm lâm phải dùng dụng cụ xăm đất để kiểm tra.

Ông Ngô Mạnh Phượng – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 4 ở Mộc Châu thì than thở: “Các cơ sở buôn bán thớt hoạt động rất tinh vi, lén lút dưới hình thức bán khoai sắn, rau củ quả. Chúng tôi bắt được nhưng không có thẩm quyền xử lý mà phải giao cho lực lượng kiểm lâm. Hơn nữa, có cái khó là thớt chưa xác định là hàng hóa nên khó trong kiểm tra, xử lý”.

“Mộc Châu có 98 nghìn hecta rừng, trong đó hơn một nửa là rừng nghiến. Lực lượng kiểm lâm lại chỉ có 26 người, tính ra mỗi người phải quản lý 4 nghìn hecta nên rất vất vả. Ở các nhà hàng cứ có 5 cái thớt nghiến, chúng tôi phạt 3 triệu. Cái khó là khách du lịch mua thớt mang về làm kỉ niệm, chúng tôi không cách nào phạt được, khó là ở chỗ đó”, ông Đào Mạnh Phong – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mộc Châu cho hay.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top