Đằng sau cuộc đua sân golf: Thủ phủ golf và chuyện "biến nguy thành cơ"

(khoahocdoisong.vn) - Trong các giai đoạn, Thủ đô Hà Nội luôn là địa phương đứng đầu về số lượng dự án mục tiêu sân golf nhất trên cả nước.

Trước năm 2010 Hà Nội có tới 19 dự án sân golf, sau đó bị yêu cầu dừng 11 dự án. Trong số nhiều dự án bị yêu cầu dừng triển khai sân golf, đến nay đã và đang hình thành các dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Phát triển nóng

Tính đến tháng 12/2008, cả nước có 166 dự án có mục tiêu sân gofl, diện tích 52.739 ha, nằm trên địa bàn của 41/64 tỉnh thành, riêng Hà Nội có tới 19 dự án. Tới tháng 11/2019, khi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng ban hành, cả nước chỉ còn 89 sân golf nằm trong quy hoạch, các dự án khác bị yêu cầu dừng triển khai.

Riêng tại Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu chuyển mục đích 11 dự án sân golf, đều thuộc diện sử dụng nhiều đất trồng lúa ở vùng đông dân cư hoặc không phù hợp quy hoạch. Lưu ý là, dù bị “gạt” 11 dự án sân golf, khỏi danh mục quy hoạch, nhưng Hà Nội vẫn là một trong những địa phương được quy hoạch số dự án sân golf nhiều nhất cả nước (08 sân).

Số dự án bị gạt khỏi quy hoạch gồm Sân golf trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu sân golf-resort-vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì), Khu đô thị du lịch sinh thái và sân golf Long Biên, Sân Golf 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì, Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì (Từ Liêm), Dự án sân golf trong Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu (Quốc Oai), Khu đô thị golf Mê Linh, Sân golf quốc tế Ba Vì tại hồ Mèo Gù, Sân golf Temple Lake Golf & Resort (Chương Mỹ), Tổ hợp đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch và sân golf Phú Mãn (Quốc Oai), Tổ hợp sân golf khu phụ trợ và khu du lịch sinh thái hồ Đồng Sương (Chương Mỹ).

Đến tháng 10/2012, UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể hóa việc quy hoạch sân golf theo Quyết định của Thủ tướng. Theo đó, danh tính của 08 dự án sân golf tiếp tục thực hiện mới chính thức được liệt kê. Bao gồm: Sân golf Đảo Vua - King Island Đồng Mô; Sân golf Hồ Văn Sơn - Sky Lake Resort and golf Club; Sân golf Vân Trì - Vân Trì golf club; Sân golf Minh Trí - Hanoi Golf Club; Sân golf quốc tế Sóc Sơn - Legend Hill Golf Resort Sóc Sơn; Sân golf hồ Suối Hai, Tản Viên, Ba Vì; Khu du lịch sinh thái tổng hợp Hồ Quan Sơn - Sân golf hồ Quan Sơn; Sân golf và dịch vụ Long Biên.

Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu (xã Sài Sơn, Huyện Quốc Oai) đã điều chỉnh quy hoạch, trong đó không còn hạng mục sân golf.

Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu (xã Sài Sơn, Huyện Quốc Oai) đã điều chỉnh quy hoạch, trong đó không còn hạng mục sân golf.

Biến sân golf thành bất động sản du lịch

Dẫu có 11 dự án mục tiêu sân golf bị dừng thực hiện, nhưng không vì thế các nhà đầu tư có thể thiệt hại, nếu không nói là được lợi còn lớn hơn. Dừng dự án golf, nhưng Hà Nội yêu cầu trong quý 1/2010, nhà đầu tư của 11 dự án sân golf liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc để được kiểm tra, hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo. Tức là, việc chuyển mục đích sử dụng đất vẫn là mục tiêu của Hà Nội, không có gì thay đổi.

Và thế là hàng trăm hecta đất đã được chuyển từ mục đích phát triển sân golf thành dự án bất động sản, với sân tập golf, du lịch, nghỉ dưỡng,...Không những đã đảm bảo, mà còn gia tăng được lợi ích cho các nhà đầu tư trên cùng diện tích đất ấy. Tất nhiên, cơ hội ấy lập tức được các nhà đầu tư khai thác triệt để.

Đầu tiên nhắc đến là dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Dự án này đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Tuần Châu Hà Tây (nay là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội) vào ngày 24/5/2007.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án có tổng diện tích gần 200ha, gồm sân golf (93ha), vui chơi giải trí (22ha), trung tâm thương mại quốc tế; khu biệt thự (54ha); còn lại là khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp.

Khi bị dừng triển khai sân golf, vào các tháng 9-10-11/2009 Công ty CP Tuần Châu Hà Tây, các Bộ chủ quản và UBND TP Hà Nội đã đề nghị và được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch dự án này theo hướng giữ nguyên là khu đô thị sinh thái, không xây dựng sân golf.

Do thế, đến tháng 10/2012, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 mới cho dự án, nội dung chính là giữ nguyên diện tích gần 200ha, khu công viên vui chơi giải trí có hơn 96ha, khu chức năng đô thị diện tích 88,9ha... "Vắng" sân golf hóa ra lại giúp chủ đầu tư được lợi hơn hẳn, do diện tích đất phát triển đô thị, đất ở mật độ thấp đã tăng lên.

Dự án Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì, huyện Từ Liêm được Hà Nội phê duyệt vào năm 2007 với diện tích gần 27ha. Trong đó, riêng hạng mục sân golf 9 lỗ và các công trình phụ trợ với tổng diện tích xây dựng gần 14ha.

Sau khi bị yêu cầu dừng triển khai (5/2010), UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho chuyển mục đích dự án sân golf này thành khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa và một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở. Tới 5 năm sau, vào tháng 8/2015, Hà Nội mới phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án, với đúng mục đích này.

Dự án Khu sân golf-resort-vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì) được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận tháng 01/2008 với quy mô 248,7ha, trong đó có hơn 100ha thuộc quản lý của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng. Sau khi bị dừng triển khai, tháng 6/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn nhà đầu tư lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết thành dự án Khu du lịch vui chơi giải trí hồ Cẩm Quỳ.

Tới năm 2013, UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu dự án này với tổng diện tích giữ nguyên là gần 249ha. Trong đó, khu quy hoạch chức năng “sân golf” không còn, mà xuất hiện khu chức năng “sân tập golf” diện tích vỏn vẹn 7,5ha. Nhà đầu tư được lợi khi các khu chức năng còn lại được "cho" quy hoạch đậm chất kinh doanh. Chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe (19,6ha), Khu vui chơi giải trí (14,3ha), Khu nghỉ dưỡng (44,5ha), Khu sinh thái rừng (99,4ha)....

Như vậy, với Hà Nội, yêu cầu dừng triển khai sân golf không làm mất đi danh hiệu "thủ đô golf". Mà ngược lại, lệnh dừng của Thủ tướng đã được vận dụng thành cơ hội thực sự giúp các chủ đầu có thể gia tăng lợi ích, khi dự án được chuyển thành bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Bài học "biến nguy thành cơ" trong chuyển mục đích sử dụng đất đai ấy tại thủ đô, đương nhiên sẽ được các địa phương khác học tập, một cách nhiệt thành. Đó có thể coi là thành công chẳng liên quan tới golf, từ quy hoạch phát triển sân golf của Thủ tướng

Theo Khoa học & Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top