Đảm bảo phòng chống Covid-19 khi tham gia giao thông dịp Tết

(khoahocdoisong.vn) - Đó là nội dung trong công điện 1711 của Thủ tướng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

Công điện nêu rõ, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho nhân dân vui đón dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân. Chú trọng vận động nhân dân thực hiện: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu...

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện phổ biến và yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông; chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu xe trực tiếp cho công nhân, sinh viên và người lao động; bố trí thời gian phù hợp để người lao động, sinh viên nghỉ Tết và trở lại làm việc, học tập, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng dịch Covid-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân.

Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là người điều khiển xe ôtô chở khách, ôtô chở hàng hóa… Cương quyết ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ...

Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về TTATGT, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tại các đầu mối giao thông chính, trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, cũng như đội ngũ người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; giảm thiểu tối đa tình trạng chậm, huỷ chuyến; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 tham gia giao thông.

Các sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước thực hiện ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và nguồn máu dự phòng, dịch truyền để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cấp cứu, điều trị nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người.

Có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm virus Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng thiếu kiểm soát trong phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến làm lây nhiễm dịch bệnh trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Theo Đời sống
back to top