Đại học Điện lực: 6 năm – 5 đợt thanh tra, liệu đã hết sai phạm?

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Kết luận thanh tra về hàng loạt sai phạm tại Trường Đai học Điện lực. Đáng bàn là, trong khoảng 6 năm, Trường Đai học Điện lực có 5 đợt thanh tra và đều có kết luận. Tập thể cán bộ, công nhân viên trường không thể không đặt dấu hỏi về chất lượng của các cuộc thanh tra cũng như công tác giám sát thực hiện các kiến nghị đề xuất tại các kết luận thanh tra này?

6 năm – 5 lần thanh tra

Hàng loạt các phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, bổ nhiệm sử dụng cán bộ, quản lý Nhà nước, sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản tại Đại học Điện lực được phản ánh lên các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Bộ Công Thương (cơ quan chủ quản của Trường Đại học Điện lực) và các cơ quan chức năng đã tổ chức các đợt thanh kiểm tra và đã ban hành các kết luận liên quan.

Cụ thể: Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT ngày 16/9/2016 của Bộ Công Thương về công tác tuyển sinh, đào tạo hệ Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, liên kết đào tạo, quản lý thu, chi học phí tại Trường Đại học Điện lực; Báo cáo kiểm toán số 02 KTNN-TH ngày 25/01/2019 của Kiểm toán Nhà nước.

Kết luận số 4170/KL-BCT ngày 13/6/2019 của Bộ Công Thương về nội dung tố cáo đối với công tác đánh giá viên chức, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tại Trường Đại học Điện lực.

Trường Đại học Điện lực chưa thực hiện nghiêm túc những nội dung kiến nghị trong các kết luận thanh tra đã được ban hành.

Trường Đại học Điện lực chưa thực hiện nghiêm túc những nội dung kiến nghị trong các kết luận thanh tra đã được ban hành.

Kết luận thanh tra số 109/KL-TTr ngày 26/9/2019 và Thông báo số 28/TB-TTr ngày 27/9//2019 của Thanh tra Bộ GD&ĐT về kết quả thanh tra công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ Đại học của Trường Đại học Điện lực.

Kết luận thanh tra số 3424/KL-BCT ngày 13/5/2020 của Bộ Công Thương về việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác tổ chức, cán bộ, công tác quản lý, sử dụng ngân sách, sự nghiệp có thu; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Trường Đại học Điện lực.

Mặc dù nhiều nội dung phản ánh đã được nêu trong các Kết luận thanh tra, xác minh, kiểm toán... tuy nhiên, để phục vụ công tác quản lý và hạn chế đơn thư kéo dài, ngày 17/11/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2990/QĐ-BCT về việc xác minh nội dung tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, bổ nhiệm sử dụng cán bộ, quản lý, sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản và việc thực hiện các Kết luận thanh tra tại Trường Đại học Điện lực.

Mới đây nhất, ngày 29/03/2021, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận xác minh số 1723/KL-BCT về các nội dung tố cáo, phản ánh kiến nghị liên quan đến công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, bổ nhiệm sử dụng cán bộ, quản lý, sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra tại Trường Đại học Điện lực.

Có thể thấy, chưa đầy 6 năm trường Đại học Điện lực có đến 5 đợt thanh, kiểm tra liên quan đến các nội dung tố cáo.

Thực hiện các kết luận thanh tra ra sao?

Theo kết luận xác minh số 1723/KL-BCT, đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra đã được ban hành, theo phản ánh trường Đại học Điện lực cố ý không thực hiện KLTT số 109/KL-TTr ngày 26/9/2014 của Bộ GD&ĐT và KLTT số 3424/KL-BCT ngày 13/5/2020 của Bộ Công Thương. Và, kết quả xác minh của Thanh tra Bộ Công Thương việc thực hiện Kết luận thanh tra số 109/KL-TTr, Đại học Điện lực đã thực hiện một số kiến nghị của kết luận thanh tra như xây dựng một số quy chế, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo; xác định trách nhiệm cá nhân trong công tác chấm bài thi; thực hiện một số kiến nghị về quản lý văn bằng, chứng chỉ...

Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông báo số 06/TB-TTr xác định "Trách nhiệm chung thuộc về Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về các Phó Hiệu trưởng phụ trách; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và những cá nhân của các đơn vị thuộc Trường có liên quan trong việc thực hiện Kết luận thanh tra (Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng; Khoa Điều khiển và Tự động hóa...”; đồng thời, đưa ra các kiến nghị đối với Trường Đại học Điện lực trong việc thực hiện Kết luận thanh tra.

Ngoài ra, việc thực hiện Kết luận thanh tra số 3424/KL-BCT của Bộ Công Thương, Đại học Điện lực còn chậm trễ trong việc thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra.

Nhà trường mới chỉ thực hiện được một số kiến nghị gồm: Xây dựng, bổ sung một số quy chế, quy trình;  Rà soát Quỹ học bổng;  Rà soát các ngành học, hệ đào tạo; Thực hiện kê khai và tạm nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp; Thực hiện việc đăng ký trích khấu hao tài sản cố định; Xây dựng Kế hoạch tài chính hàng năm; Rà soát phôi bằng;…

Bên cạnh đó, một số kiến nghị trong các kết luận thanh tra mà nhà trường chưa thực hiện đó là công khai Báo cáo kiểm toán, kết quả kiểm toán; Rà soát thu hồi các khoản lệ phí xét tuyển, thi lại lần 2; thu hồi tạm ứng kéo dài chỉ đạt 229 triệu đồng/1.911 triệu đồng; Rà soát công tác tài chính đối với các Khoa, Phòng, Trung tâm;

Rà soát hàng tồn kho, tài sản cũ không còn giá trị sử dụng, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thanh lý theo quy định. Thực hiện theo dõi, hạch toán hàng hóa, tài sản và đánh giá hiệu quả sử dụng, quản lý tài sản (năm 2019, Trường kiến nghị thanh lý 2 ô tô cũ nhưng chưa có hồ sơ, tài liệu về việc rà soát, đánh giá toàn diện về tài sản);

Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc thực hiện đầu tư mua Trường Trung cấp Kỹ thuật Hồng Lam không đúng quy định;

Thành lập Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao tại Trung tâm ART, Khoa Công nghệ năng lượng, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế đối với ông Bùi Mạnh Tú kể từ khi nhận nhiệm vụ để có cơ sở kết luận nội dung đơn tố cáo, phản ánh.

Đối với công tác thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị yêu cầu Trường Đại học Điện lực khẩn trương lập kế hoạch thực hiện các kiến nghị tại các kết luận thanh tra, kiểm toán về công tác đào tạo, tuyển sinh; công tác tài chính và thu hồi/xử lý các khoản tiền không đúng quy định; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; công tác tổ chức cán bộ; công tác xử lý đơn thư. Đồng thời, phải báo cáo tiến độ thực hiện về Bộ Công Thương.

Cùng với đó, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chưa thực hiện công khai hoặc công khai chưa đúng quy đinh các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top