Đại biểu Quốc hội đề nghị có nhóm phim cho người xem từ 21 tuổi

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại cuộc thảo luận, vấn đề phân loại phim được nhiều đại biểu quan tâm.
dai-bieu-nguyen-van-canh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh  (Bình Định) đề nghị bổ sung thêm nhóm C.21 phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên.

Lý do là vì, thanh niên nhiều nước phương Tây 18 tuổi đã ra sống độc lập thì phân loại phim theo độ tuổi cao nhất là C.18 hợp lý. Còn ở Việt Nam hầu hết 18 tuổi còn sống với gia đình, có đi học xa cũng chưa hoàn toàn độc lập về nhiều mặt.

Việc phân thêm loại phim C.21 sẽ tạo điều kiện để các nhà làm phim khai thác ý tưởng rộng hơn để phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu, số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu cũng nhiều hơn, người từ 21 tuổi trở lên được tiếp cận nhiều hơn các giá trị của phim thế giới.

Bên cạnh đó, đại biểu Cảnh cũng đề nghị ngành văn hóa có cơ chế quy đổi độ tuổi các phim nhập khẩu chiếu trên mạng có tính tương đồng hoặc có thể so sánh giữa các tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi của các quốc gia và Việt Nam.

"Ví dụ, phim chính kịch của Thái Lan quy định 16+ thì Việt Nam cũng có thể chiếu 16+. Phim lãng mạn của Pháp quy định 18+ thì Việt Nam cũng có thể tăng lên một cấp là thành 21+ nếu có. Đơn vị phổ biến phim vẫn có quyền phân loại lại độ tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam", đại biểu Cảnh nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Cảnh, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho rằng cần thêm mức độ phân loại độ tuổi thay vì mức gọi trần C18.

dai-bieu-quoc-hoi-ha-anh-phuong(1).jpg
Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng.

Phim chỉ phù hợp với khán giả trên 18 tuổi theo quy định tại dự thảo luật để một số bộ phim không bị cấm chiếu hoàn toàn, có thể được phổ biến trong phạm vi hẹp và phù hợp hơn như độ tuổi C21 và phim dành cho những người trưởng thành hơn tuổi 18.

"Điều này cũng giúp cho việc tránh xung đột một số bộ phim ở nước ngoài có thể hợp với tuổi 18 ở các nước phương Tây nhưng chưa phù hợp với tuổi 18 theo nền văn hóa nước nhà", đại biểu Hà Ánh Phượng nói.

Một vấn đề khiến đại biểu Phượng cảm thấy còn trăn trở, đó là trong dự thảo luật chưa có điều khoản quy định cụ thể về việc quản lý, phổ biến, khai thác những bộ phim do Nhà nước đầu tư sản xuất.

Điều này rất quan trọng, bởi vì đây không đơn giản chỉ là một tài sản lớn của quốc gia mà nó còn là di sản văn hóa quốc gia.

Theo đại biểu Phượng, những bộ phim có giá trị mà cả thế giới được biết đến rất nhiều như phim Bao giờ cho đến tháng 10; Cánh đồng hoang; Ván bài lật ngửa; Làng Vũ Đại ngày ấy; Em bé Hà Nội hay Con chim vành khuyên đang được phổ biến và khai thác, cắt ghép, chế bản, trôi nổi trên mạng.

Trường hợp điển hình như Hãng phim truyện Việt Nam trước đây thuộc sở hữu của Nhà nước, bây giờ đã được cổ phần hóa. Vậy, những bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam quản lý thì sẽ ra làm sao. Có nên chuyển lại cho nhà nước quản lý và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Nhà nước cần giao cho các đơn vị thuộc bộ quản lý khai thác, phổ biến những phim này hay không?

Điều đó để tránh những lùm xùm không đáng có trong thời gian vừa qua như một vài bộ phim của Việt Nam được chiếu trên Netflix do một công ty tư nhân lại ký với Hãng phim truyện Việt Nam.

.

Theo Đời sống
back to top