Đại biểu QH: Mục tiêu Luật An ninh mạng nhắm tới là tội phạm mạng, không phải người dân

Trả lời về việc đã bấm nút thông qua Luật an ninh mạng, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu khẳng định: Quyền công dân được hiến định, người dân không bị ảnh hưởng hay bị giám sát hoạt động gì. Mục tiêu nhắm tới của Luật An ninh mạng là tội phạm mạng chứ không phải người dân. Hiểu sẽ bị cấm tự do ngôn luận là hiểu sai.
Luật An ninh mạng

Kết quả biểu quyết Luật An ninh mạng.

Quyết định bấm nút từ những thông tin xấu, độc lan tràn

Luật An ninh mạng

Đại biểu Lê Bình Nhưỡng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Thưa ông, Luật An ninh mạng đã được các đại biểu bấm nút thông qua gây nên những luồng tranh cãi trái chiều. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Một trong những kết quả của buổi bấm nút thông qua là biểu quyết cao. Một số những trang mạng trong những ngày qua chống đối lại những đường lối của Đảng, tạo nên những bức xúc của dư luận đối với các đại biểu Quốc hội. Điều đó càng khiến những đại biểu Quốc hội như tôi suy nghĩ rằng cần phải ủng hộ cho đạo luật này.

Tức là những sự việc đó đã ảnh hưởng tới quyết định bấm nút của các đại biểu?

Trong mấy ngày vừa qua bùng nổ thông tin xấu độc lan tràn. Bản thân tài khoản facebook của tôi cũng được gắn thẻ chia sẻ những điều mà tôi thấy không đồng tình. Tôi cho rằng các đại biểu của chúng ta là những người rất nhạy bén, đặc biệt trong thời điểm này với câu chuyện đó. Nên đó cũng là trong những điểm củng cố quyết tâm của các đại biểu. Còn trước đó cũng có đại biểu có băn khoăn này kia.

Tôi cho rằng, những người đang tổ chức những hành vi rất xấu thì chính họ lại củng cố cho chúng ta làm những điều tốt hơn.  Chúng ta cảm thấy vững tâm hơn, rằng họ đang làm những điều xấu. Còn nếu họ không làm những điều đó thì có thể hôm nay tỉ lệ có thể khác. Cá nhân tôi suy nghĩ như vậy.

Theo tôi được biết, ông là người đã từng có những phản biện về dự thảo Luật An ninh mạng, ông có nghĩ nhiều người sẽ bất ngờ trước quyết định thay đổi của ông?

Tôi đã nói rồi việc băn khoăn về các quy định có thể dẫn đến câu chuyện này hay câu chuyện khác, nó rất bình thường. Nó là quan điểm của một đại biểu trước một dự luật thôi chứ không phải trái chiều. Cái mà hiện nay đang xảy ra củng cố niềm tin cho tôi và các đại biểu khác nhanh chóng đưa đạo luật này vào để chúng ta ngăn chặn phòng chống các tội phạm, đảm bảo sự ổn định của đất nước.

Tôi không nghĩ các “ông lớn” như Google, Facebook sẽ dịch chuyển và rời khỏi Việt Nam. Vì Việt Nam là một thị trường rất lớn trên thế giới, và đã mang lại cho họ những lợi ích. Chắc chắn họ sẽ hợp tác với Nhà nước ta và củng cố thêm những điều kiện của họ.

Tôi cho rằng, các quy định của một quốc gia nào đó cũng giúp cho những doanh nghiệp tầm cỡ xuyên lục địa xuyên thế giới phải điều chỉnh lại những chính sách của họ, hoàn thiện hơn các điều kiện của mình. Và có thể có các giải pháp siêu đẳng hơn.

Tổ quốc còn thì còn những cơ hội sửa sai

Nhiều ý kiến lo ngại, khi Luật an ninh mạng được thông qua, quyền tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế. Và đó cũng là lý do khiến một số ý kiến chưa đồng thuận. Ông nghĩ sao về điều này?

Mọi người hiểu thế không đúng. Cái đó không bắt đầu từ Luật An ninh mạng mà bản thân Luật Dân sự đã quy định rồi, bất kỳ ai có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì coi như là anh đều xâm phạm vào quyền dân sự. Và khi xâm phạm vào quyền dân sự, vượt lên đỉnh cao của nó, tức là gây nguy hiểm xã hội thì đã bị Luật Hình sự điều chỉnh, vì có thể trở thành tội phạm rồi, chứ đâu phải Luật An ninh mạng.

Luật An ninh mạng chẳng qua tạo nên một công cụ để kiểm soát những vấn đề an ninh trên mạng chứ không phải cấm tự do ngôn luận. Hiểu rằng Luật An ninh mạng cấm tự do ngôn luận là hiểu sai, áp đặt với dụng ý khác là không đúng.

Tức là theo ông, người dân không nên hoang mang?

Tôi khẳng định rằng, Luật An ninh mạng nhắm vào tội phạm mạng chứ không phải người dân. Tôi đã có ý kiến rất nhiều với Ủy ban quốc phòng an ninh. Và quan điểm của tôi là Luật An ninh mạng phải tập trung cao độ vào việc phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng. Còn vấn đề an ninh, trật tự an toàn xã hội thì như tôi đã nói có nhiều đạo luật khác điều chỉnh chứ không phải chỉ là Luật An ninh mạng.

Trong những ý kiến phản biện, nhiều ý kiến cho rằng, trong Luật có những quy định chưa rõ ràng, có thể khiến việc áp dụng Luật gây khó cho người sử dụng, ý kiến của ông thế nào?

Theo tôi, không có một đạo luật nào là hoàn hảo. Nên tất cả các đạo luật đều phải có sơ kết, tổng kết và khi đưa vào quá trình sử dụng thì sẽ lấy thực tiễn làm thước đo và sẽ xem xét, đánh giá xem có tính khả thi không, có vấn đề về xã hội pháp lý hay không, rồi điều chỉnh.

Các đạo luật thông thường ra đời nói theo ngôn ngữ nhà luật là phúc đáp lại nhu cầu xã hội. Xã hội đang rất cần nó thì phải bấm nút thông qua. Bản thân tôi trước đó cũng có những lo ngại nhưng trong các sự lựa chọn thì phải đặt lợi ích quốc gia lên trên các lợi ích thông thường khác.

Tội phạm mạng ngày càng tinh vi. Và tôi cho rằng bất kỳ một đại biểu, người dân nào cũng cho rằng vấn đề an ninh của quốc gia, an nguy của Tổ quốc là số 1. Nếu Tổ quốc còn thì có nghĩa là chúng ta còn có nhiều những cơ hội sửa sai, có thể làm tốt hơn các vấn đề khác.

Quyền công dân được Hiến định, người dân không bị giám sát

Luật An ninh mạng

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa.

Ông đánh giá như thế nào về việc ra đời Luật An ninh mạng?

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Thiếu tướng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội:

Theo quan điểm của tôi, tất cả quốc gia đều quản lý, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, trong không gian mạng, an ninh mạng, thông tin chúng ta phải nắm. Mỗi quốc gia có cách làm, phương pháp làm riêng. Đặc điểm ở Việt Nam là đa số phương tiện, thiết bị của chúng ta đa số nhập từ nước ngoài.

Vừa qua, trên lĩnh vực này, chúng ta đã làm nhưng chưa tốt, vẫn còn lỗ lọt, vẫn có hiện tượng lợi dụng mạng xã hội, hệ thống thông tin mạng để chống phá chế độ, chống phá lĩnh vực kinh tế, hàng không, kể cả lĩnh vực an ninh quốc gia. Vấn đề này, chúng ta thấy được có những khiếm khuyết.

Có ý kiến chuyên gia lo ngại, Luật An ninh mạng khiến cho thông tin người dùng dễ dàng bị quản lý, chi phối? Lo ngại này có cơ sở?

Quyền công dân được Hiến định, người dân không bị ảnh hưởng hay bị giám sát hoạt động gì, nhưng cũng nên rà soát lại. Những thông tin quan trọng của an ninh quốc gia của các chủ quản, như các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức kinh tế lớn như sân bay, ngân hàng… những lĩnh vực này, chỉ một số mạng thôi, không phải tất cả, không đi sâu vào cá nhân. Họ đi thẩm tra là cảnh báo và phương án xử lý.

Luật can thiệp vào những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Ví dụ doanh nghiệp A dùng hệ thống cơ sở hạ tầng để phát tán tài liệu chống phá, bôi nhọ, vi phạm nhân quyền… thì sẽ bị nhắc nhở. Khi chủ quản cơ quan A yêu cầu cơ quan chuyên trách an ninh vào kiểm tra thiết bị, đề nghị vào kiểm tra, thì họ mới làm. Công dân hoạt động rõ ràng.

Như vậy, Luật An ninh mạng ra đời sẽ làm “lành mạnh hóa” không gian mạng?

Khi luật này ban hành chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn, thông qua luật này, có chế tài, làm lành mạnh hơn nữa không gian mạng. Nhưng tuyệt đối hoá thì không nói được.

Xin cảm ơn các đại biểu!

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 12/6 với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết.

Điều 8 của Luật quy định chi tiết sáu nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, người dùng bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;….

Các hành vi như: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng bị cấm.

Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… đều nằm trong danh sách cấm của Luật.

                                                           Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

Quy trình sản xuất ấn phẩm báo in Khoa học và Đời sống trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện từng bước được hoàn thiện ở mọi mặt, từ làm báo trên nền tảng số, đến bạn đọc có thể xem trang báo yêu thích trên điện thoại thông minh.
back to top