Đại biểu QH: Không bức xúc, người dân không ném giầy

(khoahocdoisong.vn) - Các đại biểu cùng chung quan điểm, ném giầy hành động sai, không thể đồng tình. Nhưng nếu không bức xúc, người dân không làm vậy.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Hành động sai, nhưng có thể thông cảm

Là Phó trưởng Ban dân nguyện Quốc hội, ông có suy nghĩ gì  trước vụ việc người dân ném giầy vào đại biểu quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri tại TPHCM?

Đó là hành động vi phạm pháp luật và đã bị xử lý hành chính, cá nhân tôi không đồng tình với hành vi đó. Bởi lúc này, Đảng và Nhà nước đang tập trung giải quyết vụ việc ở Thủ Thiêm rồi. Thế tại sao lại phải như vậy?

Tuy nhiên, cần thấy một vấn đề, nếu không bức xúc thì người ta không như thế. Ở phương diện nào đó, cần hết sức thông cảm cho nỗi mất mát quá lớn của người dân Thủ Thiêm trong mấy chục năm qua.

Khi sự việc xảy ra, đã có rất nhiều ý kiến trên mạng tung hô người ném giầy như một nữ anh hùng, và ủng hộ hành động ném giầy đó. Ông có suy nghĩ gì  trước phản ứng này của dư luận?

Tôi cho rằng, người ta hưởng ứng ở góc độ chia sẻ với nỗi bức xúc đó của cô Dương. Chứ không phải là người ta ca tụng cô Dương làm đúng pháp luật. Đây là hai vấn đề khác nhau.

Người ta chia sẻ với nỗi bức xúc đó là vì, người ta không đồng tình với cách giải quyết của các lãnh đạo TPHCM từ trước đến nay. Trong đó, chị Quyết Tâm là người lãnh đạo nhiều năm ở TPHCM rồi.

Người ta nói bà chỉ “thương miệng xót môi” thôi bởi từ trước đến nay sao không giám sát đi. Làm Quốc hội bao năm, rồi HĐND, công tác Đảng bao nhiêu năm nay mà giờ mới nói những câu ấy thì giờ chỉ đãi bôi,"vuốt ve" người ta thôi chứ không đi vào thực chất.

Dư luận bất bình, và phản ứng của họ chính là ném tiếp những cái giầy của họ vào. Nhưng không có nghĩa thế là họ bênh vực hành động của cô Dương là đúng.

Sự phản ứng của dư luận có cho thấy mối quan hệ giữa người dân và chính quyền nơi đây đang tiềm ẩn những mâu thuẫn?

Theo tôi, chúng ta không suy diễn được cái gì cả. Tuy nhiên, rõ ràng là cấp ủy chính quyền TPHCM đã để vụ việc này tồn tại quá nhiều năm. Sai phạm quá trầm trọng và xâm hại đến quyền lợi ích của người dân quá lâu mới dẫn đến những bức xúc thế này.

Đây là điều mà không ai có thể phủ nhận và cũng không ai có thể làm hoa mĩ thêm những điều đó được. Không thể giảm nhẹ trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền TPHCM.

Đặc biệt tôi cho rằng công tác giám sát của cơ quan dân cử tại TPHCM là quá yếu kém. Và có thể nói cũng lấp ló một cái gì đó về các nhóm lợi ích, sự bao che… Vì từ trước tới nay đi báo cáo là đúng thì giờ lại sai. Tệ báo cáo sai là một trong những tệ lớn nhất hiện nay. Nó rất khủng khiếp.

Nhưng chính quyền cũng đã xin lỗi người dân. Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm, thưa ông?

Nhưng tôi cho rằng việc xin lỗi dân là một trong những hành động dũng cảm, đáng trân trọng.

Tuy nhiên, tốt nhất đừng bao giờ  gây ra lỗi để phải nói lời xin lỗi. Đừng có nói  rằng bất kỳ ai cũng có thể mắc lỗi. Câu đó chỉ là hành vi bao biện thôi. Bởi vì đã là công chức, đảng viên thì không cho phép anh được mắc lỗi. Đảng không cho phép mắc lỗi. Thế anh cứ giả vờ mắc lỗi hôm sau anh xin lỗi thì rõ ràng không thể chấp nhận được.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Là phản ứng tự nhiên khi nặng nỗi bức xúc

Là một đại biểu quốc hội, ông có suy nghĩ thế nào về việc cử tri ném giầy vào đại biểu quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri ở TPHCM?

Theo tôi, thực ra đó là phản ứng tự nhiên của con người khi mang nặng nỗi bức xúc, không kiểm chế được. Tất nhiên là sai về pháp luật, và chị Dương cũng đã nộp phạt. Vấn đề đặt ra là sự ứng xử trở lại giữa người đại diện cho chính quyền và người dân như thế nào trước sự việc ấy.

Theo ông thì về phía chính quyền, nên có ứng xử như thế nào?

Đây là một vấn đề mà buộc các cấp chính quyền ở những nơi có điểm nóng phải điều chỉnh lại hành vi của mình. Trước hết, là thái độ công khai minh bạch và  thành khẩn  trong giao tiếp với nhân dân. Cái nào đúng thì phải chứng minh bằng lý lẽ thuyết phục. Cái nào sai nên thành khẩn nhận lỗi trước nhân dân.

Tôi nghĩ người dân, khi họ thấy cán bộ áp dụng pháp luật sai và thành khẩn nhận lỗi thì họ rất độ lượng, sẵn sàng bỏ qua, thậm chí đánh giá cao hành động dũng cảm ấy.

Đại biểu Lê Thanh Vân.

Đại biểu Lê Thanh Vân.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của sự  việc này là do đâu?

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến những vụ việc như thế này, đầu tiên là do việc áp dụng pháp luật của chính quyền một số nơi chưa đến nơi đến chốn. Thậm chí có nơi năng lực làm việc của cán bộ công chức rất thấp. Hiểu biết pháp luật thấp, áp dụng pháp luật sai. Nhưng mà cứ cố tình bảo vệ cái sai của mình.

Khi người dân đủ lý lẽ chứng minh rằng đó là việc áp dụng sai, thì lại thiếu sự thành khẩn nhận lỗi.

Bộ Tư pháp năm 2017 phát hiện ra hơn 5.000 văn bản vi phạm pháp luật ở các cấp. Đấy là chỉ tính riêng văn bản thi hành luật, tức là hướng dẫn thi hành luật, diễn đạt các quy phạm pháp luật đã vi phạm như vậy. Chưa nói đến áp dụng pháp luật ở các văn bản cá biệt đơn hành. Thế thì oan khiên của nhân dân là chuyện đương nhiên.

Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?

Cái sai này sẽ đẩy sang cái sai khác, đẩy nỗi bức xúc người dân trong quan hệ cụ thể thiếu kiểm soát được, rất đáng tiếc.

Nó làm xói mòn niềm tin của người dân với chính quyền. Vì hình ảnh của Đảng, Nhà nước thông qua cán bộ đảng viên.

Cho nên, chấn hưng lại kỷ cương, kỷ luật phải nhằm vào năng lực trình độ phẩm hạnh của cán bộ.

Tức là quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, thưa ông?

Tôi vừa mới phát biểu trong tổ xong, cho dù chúng ta có bàn đến vốn huy động trong dân, đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đi chăng nữa thì điều quan trọng vẫn là chất lượng nhân sự trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

Nếu chúng ta có tiền, tài sản để đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội mà trao cho những kẻ vừa dốt nát, tham lam, bạo ngược thì không khác gì chúng ta phá hủy tài sản.

Tôi lấy ví dụ, 34.000 tỷ đồng đầu tư cho đoạn quốc lộ, nếu trao quyền cho những người có năng lực, phẩm chất đạo đức thì không đến nỗi phá hủy tài sản đầu tư công như thế. Thà rằng đừng trao cho những người như vậy tài sản còn được bảo toàn.

Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Theo thông tin, chiều 22/10, trung tá Lê Văn Tuấn, Trưởng Công an P.Bình Trưng Tây (Q.2, TPHCM), cho biết vào ngày 20/10 công an phường này lập biên bản xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị Thùy Dương 750.000 đồng do  “lỗi ném vật lạ vào người khác” theo Nghị định 167.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 20/10 của đoàn ĐBQH TPHCM, bà Dương đã cầm giày của mình ném về phía hội trường.

Trao đổi với PV báo chí về vụ việc nói trên, bà Dương lý giải việc bà bức xúc dẫn đến hành vi ném giày: "Tôi là người dân Q.2 hiểu rất rõ vụ Thủ Thiêm nhưng nhà không bị giải tỏa bởi dự án này. Nhà tôi bị giải tỏa ở P.Cát Lái. Có nhiều người gửi hồ sơ về đất đai bị giải tỏa nhờ tôi phản ánh, đứng lên phát biểu giùm. Trở lại câu chuyện hôm tiếp xúc cử tri, tôi muốn phản ánh việc trụ sở UBND Q.2 xây dựng trên một miếng đất chưa được đền bù xong, thậm chí còn có dấu hiệu đánh tráo, làm giả giấy tờ gây thiệt hại cho dân nhưng không được giải quyết”.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top