Đại biểu QH đề nghị không bỏ danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ

Nhiều đại biểu đề nghị, không nên bỏ danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ.

Sáng 28/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) trong dự thảo luật trình Quốc hội lần này.

Nhạc sĩ vẫn là nghệ sĩ

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết, bà nhất trí việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

dai-bieu-duong-minh-anh.jpg
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội).

Tuy nhiên, đề nghị giữ lại đối tượng nhạc sĩ theo như Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành. Lý do là vì, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo.

"Nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện. Nếu nói nhạc sĩ không phải là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng phải khẳng định rằng họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng, tạo ra sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, âm thanh, họa sĩ, biên đạo...", bà Ánh nói.

Bà Ánh cho rằng, nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác đóng góp cho ngành văn hóa, nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Có nghệ sĩ nhận danh hiệu mà niềm vui không trọn vẹn

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, có một giai đoạn trong biên chế của một đoàn nghệ thuật thường có một nghệ sĩ sáng tác, được người trong nghề trân trọng gọi là "thầy tuồng".

dai-bieu-tran-thi-thu-dong1-11105478.png
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu). Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Các "thầy tuồng" tùy theo thực tế những nghệ sĩ biểu diễn trong đoàn để đo ni, đóng giày, chọn ra những tuồng tích phù hợp tạo nên đất diễn, phù hợp với những nghệ sĩ sáng tác.

Như vậy, ở rất nhiều trường hợp, những nghệ sĩ sáng tác còn là bậc thầy của những nghệ sĩ biểu diễn.

Bà Đông cho biết, thời gian qua đã có một số nghệ sĩ được tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhưng khi nhận danh hiệu cao quý này lại cảm thấy rất áy náy, niềm vui không trọn vẹn,

Đó là vì các bậc thầy của mình, các nghệ sĩ sáng tác lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài ca vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương "Soạn giả Yên Lang", soạn giả Trần Nguyễn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển... với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Trong khi những vở diễn, những vở cải lương, những bài ca cổ, ca nhạc do các bậc thầy soạn ra, các học trò của ông biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương, điều kiện quan trọng, làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Từ những bất cập này, bà Đông kiến nghị giữ nguyên đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định, tránh chồng chéo, bất cập dẫn đến việc có sự so sánh, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top