Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới

Cổng thông tin điện tử Quốc hội vừa công bố hồ sơ dự thảo Luật Bản dạng giới do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thực hiện, để lấy ý kiến nhân dân.
Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí, bản dạng giới là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ.
Nhận thức giới tính của một người không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là thiên hướng tình dục.
Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra.
Dai bieu Nguyen Anh Tri de nghi xay dung Luat Ban dang gioi
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Việt Nam chưa có luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính
Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính, một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế.
Công ước quốc tế quy định các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử và kỳ thị nào, trong đó bao gồm yếu tố “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới”.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, LGBT là cộng đồng người chiếm tỷ lệ từ 3 đến 7% dân số thế giới, trong đó tỷ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hormon) chiếm từ 0,3% đến 0,5% dân số. Đến tháng 11/2021, dân số Việt Nam là 98,5 triệu, ước tính có 300.000-500.000 người chuyển giới.
Ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, Luật Bản dạng giới phù hợp với quy định trong Bộ luật Dân sự - cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.
Tuy nhiên, từ sau khi Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” (Điều 37), đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để cá nhân có thể chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế. Cũng không có văn bản pháp luật nào quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan đối với người chuyển giới...
Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới. Ngoài ra chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.
Việc chưa có quy định pháp lý đầy đủ dẫn đến người chuyển giới không có giấy tờ nhân thân đúng với giới tính mà mình mong muốn, bị tổn thương về tâm lý và phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Không có quy trình về can thiệp y học để thực hiện chuyển đổi giới tính về mặt cơ thể. Không có quy trình, thủ tục về chăm sóc sức khỏe đối với người chuyển giới.
Người chuyển giới tại Việt Nam cũng không được tư vấn, đánh giá, chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý trước và sau khi quyết định chuyển đổi giới tính do dịch vụ không sẵn có, xuất phát từ nguyên nhân chưa có các quy định pháp luật cho việc chuyển đổi giới tính; quyền công nhận giới tính khác với giới tính khi sinh chưa được coi là một quyền nhân thân.
Như vậy, Việt Nam hiện có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ quyền nhân thân trọn vẹn.
Cần bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch
Từ những khó khăn, bất cập trên, đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Bản dạng giới.
Ông Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp điển hóa vào dự thảo Luật các quy định liên quan đến 2 quyền này tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Luật cần khẳng định chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính; tích cực hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Luật cần khẳng định, LGBT là cấu phần tất yếu của xã hội, không phải bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống. Ngoài ra, Luật cũng phải quy định điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Luật sẽ tạo cơ sở để phát triển kỹ thuật can thiệp y học chuyển đổi giới tính, giúp Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách, tránh bị chảy máu ngoại tệ do người Việt Nam ra nước ngoài chuyển đổi giới tính.
Mục đích khi xây dựng dự luật này là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người; cụ thể hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 của Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Dự luật cần bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch, khả thi, thuận tiện cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến quyền con người; phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính khi sinh được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Đề cương chi tiết dự thảo Luật Bản dạng giới có 5 chương và 27 điều. Chương I giới thiệu từ ngữ, phạm vi điều chỉnh; hành vi bị nghiêm cấm và quyền, nghĩa vụ có liên quan. Chương II gồm điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận bản dạng giới; Chương III về tâm lý, can thiệp y tế, khám, điều trị cho người chuyển giới; Chương IV là quản lý nhà nước đối với chuyển đổi giới tính và Chương V là điều khoản thi hành.
Trong đó, điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận bản dạng giới gồm: Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, độc thân và không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật bản dạng giới được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/2/2023. Đại biểu Nguyễn Anh Trí dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

>>> Mời độc giả xem thêm video Giật mình trước khả năng kỳ quái của các dị nhân trên thế giới

Theo Đời sống
back to top