Đã xác định sống chung với COVID-19 thì không nên quá lo lắng

Các tỉnh, thành phố phía Nam vừa nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục nghìn người lao động hồi hương để trách dịch dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 5.

Hà Nội và nhiều địa phương như Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Bình…xuất hiện nhiều ca F0 khiến nhiều người lo lắng.

Bà Trương Thị Tứ (Mỹ Đình, Hà Nội) là người Hà Nam lên Hà Nội làm ăn. Mới đây nghe tin có ca dương tính từ Bình Dương qua Hà Nội lại đúng khu vực bến xe Mỹ Đình nên bà khá lo lắng. “Tôi mới tiêm 1 mũi AstraZeneca, đang chờ tiêm mũi thứ hai. Chỗ tôi làm ngay gần bến xe Mỹ Đình, ngày nào cũng ra vào nhiều lần, mỗi lần đứng đợi đèn xanh đèn đỏ chỗ bến xe rất lâu, trời mưa tắc đường còn đợi lâu hơn nên cũng sợ lây nhiễm.

Mình có tuổi rồi, sức đề kháng kém, đã dính là dính luôn. Đứa cháu tôi ở Hà Nam, làm trong khu công nghiệp, đã tiêm phòng 2 mũi văcxin Covid-19 rồi mà vẫn dính. Lúc đầu mọi người trong gia đình bảo không sao vì cháu trẻ, khỏe, lại tiêm 2 mũi được cả tháng rồi, thế mà từ chỗ F1 chuyển sang F0 rất nhanh.

Cháu mới gọi điện cho tôi nói rằng, dì cẩn thận đấy, bệnh này không đùa được đâu”-bà Tứ cho biết.

mo-nha-hang-ha-noi-7.1.jpg
Quán Cà phê ở Hà Nội được mở cửa từ 14/10 theo Công điện 21 của UBND Thành phố. Ảnh Trần Hải

Lương y Nguyễn Văn Tuyển, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người TPHCM cho biết, sống trong vùng có dịch nặng nên ông phải cẩn trọng trong tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt chỗ đông người. Bốn tháng nay ông Tuyển không bước chân ra khỏi nhà, tất cả các hoạt động đi chợ, mua bán đều được gọi shipper.

“Lúc TPHCM dịch nặng tôi vẫn gửi thuốc cho người bệnh bằng cách để ngoài cửa ngõ, người trong xóm tự đến lấy, người ở xa gửi qua shipper. Thành phố im lìm, chỉ có tiếng xe cứu thương chạy ngoài đường.

Con gái tôi làm ở bệnh viện nên ở lại luôn chứ không dám về nhà. Cháu dặn đi dặn lại tôi là hạn chế tiếp xúc người bên ngoài, càng hạn chế càng tốt.

Bây giờ thành phố mở cửa, máy bay, tàu, ô tô đã hoạt động trở lại, người từ Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM ra Bắc cũng nhiều, nguy cơ bùng phát dịch không biết thế nào nên tốt nhất từng cá nhân phải có ý thức.

Người chưa mắc bệnh nên tránh xa những nơi nhiều nguy cơ như bến tàu, bến xe, tránh đi vào lúc đông người, giữ thói quen thật cần thiết mới đi ra ngoài. Khi đi phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khi về phải bỏ bộ đồ mới mặc ra giặt, thay khẩu trang, sát khuẩn tay…”- ông Tuyển nói.

Lương y Phùng Tuấn Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, không có quốc gia nào trên thế giới đóng cửa mãi được. Chúng ta phải đón nhận việc sống chung với Covid và không nên hoảng loạn về nó.

ha-noi-5.5.jpg
Người dân tranh thủ tập thể dục ngay khi bỏ lệnh giãn cách. Ảnh Trần  Hải

Khi căng thẳng, hoảng hốt, con người càng dễ nhiễm bệnh. Ngược lại, khi có những cảm xúc tích cực sự lạc quan, vui vẻ, sẽ hoạt hóa vùng dưới đồi, tác động lên hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh, kích thích tạo ra các hormon nội sinh có lợi như: endorphine, serotonine, dopamine… giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

Nói đến bệnh tật ai cũng sợ, nhưng nếu biết chế ngự nỗi sợ, biết tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh ta sẽ giảm được nhiều rủi ro.

Theo các chuyên gia, mọi người cần trang bị đủ các kiến thức về phòng chống bệnh với tâm lý vững vàng, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Nên lắng nghe cơ thể, liên hệ với nhân viên y tế nếu thấy các biểu hiện bất thường như các triệu chứng của COVID-19 được cơ quan y tế cảnh báo.

Nếu xác định là dương tính với SARS-CoV-2 càng cần phải giữ vững tâm lý, có ý chí quyết tâm chiến thắng bệnh tật, tuân thủ điều trị để mau chóng phục hồi.

Theo Đời sống
back to top