Đà Nẵng sẽ thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các ngành chức năng sớm thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngày 24/9, phát biểu bế mạc hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2021, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.

"Những chính sách mới phải, đảm bảo hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực thành phố, với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế. Trước mắt, cần thành lập ngay đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Quảng chỉ đạo.

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Phát biểu tại hội nghị, nhiều lãnh đạo đều nêu thực tế là các đơn vị đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hàng nghìn doanh nghiệp đã tạm ngưng, thậm chí phá sản vì không trụ nổi bởi dịch bệnh.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay hiện nay, hơn 90% trong số gần 400 doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Du lịch thành phố đang phải tạm thời đóng cửa; gần 4.000 hướng dẫn viên đang thất nghiệp.

Lanh dao Da Nang doi thoai voi doanh nghiep anh 1
Hàng nghìn taxi ở Đà Nẵng phải nằm bãi nhiều tháng qua. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Các doanh nghiệp chỉ duy trì được khoảng 20% trên tổng số lao động tại thời điểm quý I/2021. Theo ông, nếu tình trạng này kéo dài thêm và doanh nghiệp không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và lãnh đạo địa phương thì nguy cơ doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, giải thể, phá sản đã hiển hiện trước mắt.

"Doanh nghiệp không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và lãnh đạo địa phương thì nguy cơ doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, giải thể, phá sản đã hiển hiện trước mắt".

Ông Cao Trí Dũng

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho biết các đơn vị vận tải đang đứng trên bờ vực phá sản.

Hơn 4 tháng qua, hàng nghìn xe taxi phải nằm yên phơi mưa, nắng dẫn đến hư hỏng.

"Thành phố hiện có 1.500 xe taxi phải tốn từ 15 đến 20 tỷ đồng để sửa chữa. Bên cạnh đó các khoản nợ thuế, bảo hiểm, ngân hàng còn treo nặng. Hàng nghìn tài xế, người lao động đã thất nghiệp nhiều tháng qua", ông Hiền thông tin.

Nên mở cửa đón khách du lịch

Đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Do đó, họ mong muốn lãnh đạo Đà Nẵng kiến nghị Bộ Y tế phẩn bổ thêm vaccine để tim chủng cho toàn dân, người lao động.

Ông Cao Trí Dũng đề nghị thành phố mở lại luồng xanh cho khách ra vào thành phố. Hiện cả nước có 10 địa phương mở lại dịch vụ, đón khách du lịch.

"Trong khi Đà Nẵng kiểm soát dịch tốt hơn nhiều địa phương khác nhưng thành phố này vẫn chưa mở cửa đón khách là không hợp lý", ông Dũng nói và cam kết, các doanh nghiệp du lịch chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về các phương án phòng chống dịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm đơn vị đang bàn bạc với Sở Du lịch thành phố trong việc đón khách trở lại, phục hồi các nguồn khách tại chỗ, nguồn khách trong nước và sau đó là nguồn khách nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ và tình hình kiểm soát dịch bệnh của địa phương.

"Chúng tôi đã có lộ trình để khi thị trường phục hồi thì hệ thống dịch vụ luôn trong trạng thái sẵn sàng ở mức độ cao, đáp ứng các nhu cầu của du khách cũng như tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh", ông Dũng nói.

Lanh dao Da Nang doi thoai voi doanh nghiep anh 2
Hiện hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị thành phố cho mở cửa đón khách du lịch trở lại. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị Bộ Y tế nên có quy định lại một cách cụ thể các ứng xử khi phát hiện ca F0, áp dụng chung cho cả nước; Không nên đóng cửa doanh nghiệp khi phát hiện ca mắc Covid-19, không phong tỏa khu vực sinh sống, nơi làm việc của F1 và các F liên quan.

Kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố kiến nghị với Trung ương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong năm 2021-2022.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm ít nhất 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2021.

Cùng với đó, thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại khoản nợ thời hạn ít nhất 36 tháng thì các doanh nghiệp mới có thể phục hồi được.

"Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm ít nhất 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2021".

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng

"Giảm lãi suất vay vì hiện nay có cấu cấu nợ, giảm gốc nhưng lãi suất vay không giảm, đề nghị giảm lãi suất vay từ 2-3% cho tất cả khoản vay. Riêng lĩnh vực vận tải thì đề miễn chi phí kiểm định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự vật chất và phí sử dụng phương tiện đường bộ cho toàn bộ taxi từ tháng 5/2021 cho đến khi hoạt động trở lại", ông Nguyễn Văn Hiền nêu rõ.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Đà Nẵng đề xuất lãnh đạo Đà Nẵng kiến nghị Trung ương cụ thể hóa Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết từ đầu tháng 10 thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động trên cơ sở đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh để duy trì hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Trong tháng 10, thành phố bảo đảm tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi; đồng thời sớm ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, một số chính sách về thuế, tiền thuê đất…

"Dự kiến thành phố sẽ chi trên 500 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Quảng nói và giao UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo sở, ngành thành lập đội ngũ phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo zingnews.vn
back to top