Đà Nẵng áp dụng “3 tại chỗ” để ổn định sản xuất và chống dịch

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, thành phố này linh hoạt trong thu hút đầu tư và áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” để ổn định sản xuất và chống dịch.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh chuyên sản xuất dụng cụ thể thao xuất khẩu với hơn 3.700 công nhân. Các đợt dịch bùng phát, hàng hóa không xuất khẩu được nên một số lượng lớn hàng ứ đọng. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng dịch, việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong khu công nghiệp, đơn vị đã kích hoạt phương án sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ”: ăn, nghỉ và làm việc tại chỗ.

Theo đó, các hoạt động đều theo quy trình khép kín, người lao động ở phân xưởng nào sẽ ăn, ở, làm việc tại phân xưởng đó. Công ty đã liên hệ với các nơi cung ứng lương thực thực phẩm, đồ dùng, thiết bị cá nhân, nếu cần sẽ có đơn vị cung cấp tận nơi. Công ty chia thời gian ăn, nghỉ của công nhân ra nhiều đợt để giãn cách. Khu vực bàn ăn đều có các tấm chắn, ngăn cách hạn chế tiếp xúc gần...

Ông Nguyễn Văn Phu cho biết, đơn vị đã sắp xếp lại nơi làm việc, bố trí chỗ cho công nhân ở lại tại doanh nghiệp trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp: “Công ty sử dụng triệt để tất cả các phòng, ví dụ như: các phòng họp có thể sử dụng làm chỗ ngủ từ 200 đến 250 người, đảm bảo trên 1.000 người có thể ngủ được. Trường hợp cần thiết, công nhân ở lại công ty thì phải chọn giải pháp như vậy. Công ty chia ra từng ban, chọn ra một nhóm từ 3 đến 5 người phụ trách công tác này. Nếu như phân xưởng này bị lây bệnh thì phân xưởng kia hỗ trợ. Phân xưởng này cô lập thì phân xưởng kia vẫn sản xuất được”.

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 500 doanh nghiệp với hơn 77.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, khi thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu cho người lao động và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp.

Ban Quản lý triển khai các tổ kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp phát huy các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Khi phát sinh các tình huống cụ thể, nếu doanh nghiệp xét thấy việc dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất thì có thể triển khai phương án “3 tại chỗ” này. Tuy nhiên, theo ông Phạm Trường Sơn, các đơn vị phải đảm bảo việc ăn, ở, sinh hoạt, hậu cần, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho người lao động làm việc tại chỗ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

“Phần lớn các doanh nghiệp rất năng động và các doanh nghiệp bao giờ cũng có phương án dự phòng trong tình huống bất khả kháng, dịch bệnh. Cho nên với sự năng động của doanh nghiệp thì họ sẽ có phương án thay thế để tiếp tục bảo đảm quá trình sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo thành phố và Ban quản lý luôn động viên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhiệp mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Trường Sơn cho biết.

Năm 2021, thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng tình sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư của thành phố vẫn cố gắng giữ ổn định và tăng trưởng. Từ đầu năm đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 2.015 tỷ đồng và cấp mới 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 150 triệu USD Mỹ, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố không tổ chức được các đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài nhưng vẫn tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư qua nhiều kênh khác nhau.

“Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Sở chủ động triển khai mạnh giải pháp việc đăng ký kinh doanh qua mạng hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như giao kết quả tại nhà, tận đơn vị. Tích cực tham mưu cho thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trước đây  đối với doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế cho thành phố, vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”, bà Trần Thị Thanh Tâm thông tin./.

Theo vov.vn
back to top