Đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân khó khăn

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021 ngân sách nhà nước đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân khó khăn; trong đó, 17.200 tỷ đồng cho phòng chống dịch và 1.600 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách tháng 8 ước đạt 78.600 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa: ước đạt 63.200 tỷ đồng (5,58% dự toán), giảm 14.200 tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý). Thu từ dầu thô ước đạt 3.300 tỷ đồng giảm 224 tỷ đồng so tháng 7. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24.000 tỷ đồng, giảm 11.000 tỷ đồng so tháng 7, giảm 9.000 tỷ đồng so bình quân 7 tháng đầu năm.

Trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng 7; trong đó, kim ngạch XNK có thuế ước giảm 26% so với tháng trước (kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại giảm 16,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 19,8%; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 35,6%,...), làm giảm thu NSNN trong lĩnh vực này.

Lũy kế thu NSNN 8 tháng năm 2021 ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách Trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán).

Trong đó, thu nội địa ước đạt 820.400 tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 57,9% dự toán, giảm 9,9%). Thu từ dầu thô ước đạt 25.700 tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157.500 tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính 54/63 địa phương có thu nội địa đạt trên 67% dự toán, trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán Như: Bình Phước, Hà Nam, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Quảng Trị, Đồng Nai, Thái Bình, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Hưng Yên; 51 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% Phú Yên, Bình Phước, Quảng Nam, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Trị, Đồng Nai, Hưng Yên.

8 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp là Bắc Kạn (65,2%); Đồng Tháp (65,1%); Kiên Giang (63,3%); Sơn La (63,3%); Cần Thơ (62,4%); Đà Nẵng (61,2%); Tiền Giang (58,6%) và Hoà Bình (57,8%).

Về chi ngân sách, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 115.500 tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 187.300 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng chi NSNN; chi trả nợ lãi đạt xấp xỉ 72.000 tỷ đồng, chiếm 7,84% tổng chi NSNN; chi thường xuyên đạt 652.700 tỷ đồng, chiếm 71,9% tổng chi NSNN.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng qua được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, trung ương đã chi 10.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; chi 5.100 tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi Ngân sách Trung ương năm 2020 chuyển sang; các địa phương đã chi 3.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng Covid-19 là 2.550 tỷ đồng để mua vaccine.

Theo Bộ Tài chính, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 8 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương có bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 27/8, đã thực hiện phát hành được 199.300 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,96 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm./.

Theo vov.vn
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top