“Cứu” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng?

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi hoàn thành dự án thu gom nước thải sông Tô Lịch về nhà máy nước thải Yên Xá, sẽ lấy nước sông Hồng bổ cập vào sông Tô Lịch để tạo ra dòng chảy liên tục.

Đưa nước sông Hồng qua cống Liên Mạc

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch, đặc biệt là khi Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đi vào sử dụng, các đơn vị chức năng đang đề xuất TP Hà Nội thêm phương án dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, hiện thành phố đã có nhiều phương án, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa theo tuyến, các đơn vị liên quan đang báo cáo thành phố bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc.

Theo đó, 3 nguồn nước chính có thể cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; Nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; Lấy nước từ sông Hồng.

"Hiện nay, trên hệ thống này, một số tuyến đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành, nếu được thành phố phê duyệt thì phương án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, là hợp quy hoạch. Thứ hai, là tiết kiệm thêm một dự án, Ban sẽ không phải lập thêm 1 dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch", ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Trước đó, trong nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua Hồ Tây. Theo đó, để bổ cập nước vào Hồ Tây, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.

Rủi ro, tốn kém

GS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch hội đồng Đại học Thủy lợi cho biết, ý tưởng lấy nước từ sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương cần phải tính toán kỹ. Vì phương án này phải làm đường dẫn nước dài 10,5km rất tốn kém. Cách tốt nhất là lấy nước của sông Hồng bơm vào hồ Tây, sau đó dẫn ra sông Tô Lịch.

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, sông Tô Lịch lúc đầu là phân lưu của sông Hồng chảy vào sông Nhuệ. Nước chảy theo những triền đất địa hình thấp, dần bào mòn lòng dẫn để trở thành các con sông nhỏ. Từ những chứng cứ về địa chất, có thể thấy Tô Lịch khởi đầu là sông tự nhiên. Ban đầu, cửa sông Tô Lịch ở phố Cầu Gỗ, chảy theo hướng Bắc Hà Nội, sau lại chuyển sang phía Tây, rồi qua phía Đông huyện Từ Liêm, huyện Thanh Trì, quanh co gần 100km, rồi mới chảy vào sông Nhuệ.

"Ở Thăng Long, nơi có nhiều ruộng quốc khố của nhà vua, năm Nhâm Tý (1192), Lý Cao Tông cho đào sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch từ Hồ Tây chạy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai trổ thẳng xuống Cống Xuyên. Thời nhà Lý, hồ Tây còn liền với sông Hồng. Sông Tô Lịch chảy qua một vùng đất màu mỡ nhất giữa đất Thăng Long, có tác dụng tưới nước Hồ Tây khi mùa khô, tiêu úng ra sông Nhuệ khi mùa mưa… Đến nay, Tô Lịch không còn là một dòng sông tự nhiên theo đúng nghĩa. Các điều kiện tự nhiên khách quan là thách thức lớn nhất cho các nhà khoa học muốn làm sống lại sông Tô Lịch. Việc lấy nước sông Hồng bổ cập vào Tô Lịch đã bàn đến.

Nhưng sông Hồng hiện nay thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, nhất là vào mùa khô. Đường dẫn nước từ sông Hồng vào giờ cũng bị lấp, đào lại đường dẫn là điều không tưởng, bơm nước thì quá tốn kém, không làm liên tục được. Trước kia chúng tôi đã tính đến nhiều phương án để dẫn nước từ sông Hồng để làm sống lại sông Tô Lịch, nhưng đều không khả thi. Mặt khác, sông Hồng có những đặc tính tự nhiên hết sức phức tạp, việc trị thủy, tác động dòng chảy phải hết sức cân nhắc vì có thể để lại những tác động nguy hiểm khôn lường”, GS Vũ Trọng Hồng băn khoăn.

Theo Đời sống
back to top