Cứu sống cụ bà 101 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa can thiệp mạch cứu sống bà cụ 101 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, huyết áp tụt, mạch chậm. Đây được coi là bệnh của người nhưng ngay cả người trẻ cũng cần đề phòng. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời trong 10 giờ đầu, bệnh nhân rất dễ tử vong.

Người cao tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim (NMCT) được cứu sống

Bà Hoàng Thị Đ. (101 tuổi ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) có tiền sử bệnh tiểu đường được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, khó thở nhiều, huyết áp 70/40mmHg, mạch chậm 35 lần/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc tim, NMCT cấp, đái tháo đường và có biến chứng block nhĩ thất cấp 3. Sau khi xem xét và hội chẩn, các bác sĩ đã xác định trường hợp này cần được chụp và can thiệp động mạch vành càng sớm càng tốt vì người bệnh đã có sốc tim, block nhĩ thất cấp, cao tuổi, càng trì hoãn thì nguy cơ tử vong càng lớn.

Sau khi được can thiệp, xử trí đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và can thiệp đặt 1 stent động mạch vành, người bệnh tỉnh táo, các chỉ số nhịp tim, huyết áp trở về bình thường. Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, được xuất viện. 15 ngày sau khi ra viện, người bệnh đến khám lại với các kết quả hồi phục rất tốt.

ThS.BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết: Đây là trường hợp người bệnh cao tuổi nhất bị NMCT được cứu sống tại Việt Nam.

Kiểm tra tim cho cụ bà 101 tuổi sau can thiệp thành công.

Kiểm tra tim cho cụ bà 101 tuổi sau can thiệp thành công.

Giờ vàng “cứu” bệnh nhân trước 10 tiếng

GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, NMCT là hiện tượng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu không điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến tử vong. Nếu tổn thương nhỏ, bệnh nhân sẽ bị suy tim hoặc tăng nguy cơ đột tử. Bởi NMCT là bệnh lý xuất hiện khi có cục máu đông gây bít tắc động mạch vành - mạch máu cung cấp máu và nuôi dưỡng cơ tim. Khi động mạch vành bị tắc, không còn dòng máu đến cơ tim sẽ gây phá huỷ hoặc chết một phần cơ tim tương ứng. Bệnh xảy ra rất nhanh nên tiêu chuẩn được đặt ra nhằm cứu sống bệnh nhân là càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong giờ vàng trước 10 tiếng từ khi bị NMCT, sau 10 tiếng cơ hội cứu sống và giảm biến chứng rất khó.

Vì vậy, với những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là những người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nên đi khám tim mạch thường xuyên. Nếu thấy có biểu hiện đau ngực trái dữ dội, kéo dài hơn 15 - 30 phút; Đau có khi kèm vã mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, không dám vận động nặng vì gia tăng cơn đau; Đau có thể lan ra cánh tay cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới trái… thì cần nghĩ tới bệnh mạch vành và đi cấp cứu ngay để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân đau ngực có phải do nhồi máu cơ tim hay không. Trong quá trình di chuyển đến cơ sở y tế cần di chuyển bằng các phương tiện an toàn (xe cấp cứu hoặc tacxi), tránh vận động gắng sức trong quá trình di chuyển.

Một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực. Do đó, có thể NMCT sẽ bị bỏ sót. Đặc biệt, đây không còn là bệnh riêng của người cao tuổi mà có thể xảy ra ngay cả ở những người còn rất trẻ và khỏe mạnh. Trước đây bệnh thường gặp ở nam giới sau 45 tuổi, nữ sau mãn kinh nhưng giờ xuất hiện nhiều cả ở người trẻ, 25, 29, 39… tuổi. Vì vậy, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi thấy bất thường gì về sức khỏe. Có lối sống lành mạnh, hạn chế rượu, thuốc lá, năng vận động...

Theo Đời sống
back to top