Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Từng từ chối mua robot phẫu thuật của BMS

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cho biết, mức giá của Công ty BMS là quá sức chi trả của bệnh viện, nhưng nếu có robot phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài chữa bệnh
nguyen-quoc-anh(1).jpg

Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh là người đầu tiên trả lời xét hỏi trong Vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai sáng ngày 20/1.

Theo đó, ông Quốc Anh khẳng định không quen bị cáo Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty BMS, trước khi bên này đặt vấn đề bán robort phẫu thuật.

Với mức giá 2 robot là 39 và 44 tỷ đồng, ông Quốc Anh cũng cho biết là vượt quá mức chi của bệnh viện, nên từ chối.

Tuy nhiên, ông Quốc Anh cho rằng, thời điểm đó, nếu ca phẫu thuật tương tự ở nước ngoài có giá gần 2 tỷ đồng, nhưng khi điều trị ở bệnh viện thì chỉ khoảng 150 triệu đồng.

"Nhưng nếu mang được 2 robot này về, mỗi bệnh nhân sẽ chỉ phải bỏ ra 150 triệu đồng, không phải sang nước ngoài. Chính vì không muốn để người bệnh phải ra nước ngoài chữa, giá rẻ hơn cả chục lần nên tôi và anh em rất mong muốn" - ông Quốc Anh khai.

Ngoài ra, thời điểm năm 2015, giá hai robot nằm trong danh mục thiết bị y tế được Bộ Y tế sẽ mua cho hai bệnh viện đầu ngành là Bạch Mai và Việt Đức, cũng với giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.

Hơn nữa, ông Quốc Anh cho biết, đã thuê bên thẩm định giá và cử 2 cán bộ sang Pháp khảo sát giá nên "rất yên tâm".

Ông Quốc Anh cũng khai thêm, theo quy định thông thường, khi liên kết các dự án tương tự, doanh nghiệp hưởng 70% lợi nhuận, bệnh viện 30%.

"Nhưng riêng lần này, chúng tôi thoả thuận được với BMS để Bạch Mai được hưởng tới 50%. Sau 7 năm máy sẽ hoàn toàn là của bệnh viện, không phải chịu khấu hao nữa nên giá điều trị sẽ rất rẻ. Chúng tôi rất mừng" - ông Anh khai.

Về số tiền 100 triệu đồng và 10.000 USD ông Quốc Anh nhận của BMS, ông cho rằng đây là quà lễ, tết. 

"Lúc đầu tôi nghĩ đây là dịp lễ, Tết của dân tộc, bản thân bệnh viện cũng đi chúc tết các nơi, tôi không nghĩ đây là tiêu cực. Tổng 3 năm tôi nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD, sau này tôi nhận thấy đây là số tiền không chính đáng nên đã cùng gia đình khắc phục" - ông Quốc Anh nói.

Theo Đời sống
back to top