Cứu bệnh nhân có 721 viên sỏi trong túi mật

(khoahocdoisong.vn) - Trong túi mật có tới 721 viên sỏi thì là một điều hiếm và tại Bệnh viện 19-8 đã xuất hiện ca bệnh như thế.

Sỏi túi mật là bệnh thường gặp ở nước ta. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là sỏi cholesterol, còn ở Việt Nam thì sỏi sắc tố lại chiếm tỷ lệ nhiều.

Uống thuốc nam tưởng sỏi tan hóa thành sỏi kỷ lục

 Bệnh nhân Đạo, 62 tuổi, ở Hà Nội là một cán bộ viên chức vừa nghỉ hưu. Anh không nghĩ căn bệnh sỏi mật của mình tái phát. Trước đó anh Đạo từng phát hiện có sỏi túi mật, nhưng nghĩ ngại chuyện đụng dao kéo, cắt túi mật nên anh chọn cách dùng thuốc Nam để tiêu sỏi. Sau khi dùng thuốc một thời gian, anh Đạo không thấy đau bụng,tưởng rằng sỏi mật của mình đã khỏi và chủ quan không thăm khám bác sĩ định kỳ.

Lần này, đang chuẩn bị có chuyến đi du lịch thì anh Đạo thấy đau bụng, đau xuyên hạ sườn phải. Không biết lý do là gì, khi cơn đau quá sức chịu đựng, gia đình đưa anh tới nhập viện Bệnh viện 19-8.

Qua siêu âm, thăm khám, các bác sĩ phát hiện trong túi mật của anh có nhiều sỏi, túi mật căng to, nhiều dịch. Với chẩn đoán sỏi túi mật, viêm túi mật cấp, anh được sử dụng dùng kháng sinh trước mổ và mổ cấp cứu cắt túi mật bằng phương pháp nội soi.

Kết quả, các bác sĩ đã cắt bỏ được túi mật có chứa số lượng sỏi kỷ lục: 721 viên. Đây là bệnh nhân có nhiều sỏi nhất trong túi mật từ trước đến nay được phát hiện. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và 2 ngày sau ra viện đã đi du lịch bình thường.

Sỏi túi mật thường không có triệu chứng rõ rang

Nguồn gốc của sỏi túi mật là sự kết tụ của cholesterol, bilirubin và các thành phần khác trong dịch mật khi nồng độ của chúng trong dịch mật trở nên mất cân bằng. Ví dụ như khi lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hay khi lượng muối mật giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Ngoài ra, còn có thể gặp sỏi sắc tố mật hình thành do sự kết tụ của bilirubin trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan…

Ngoài ra, có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật như: Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người mắc sỏi túi mật, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn; Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn nam giới; Thừa cân hoặc béo phì: Làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật; Túi mật co bóp kém: Người ít vận động, ngồi nhiều; chế độ ăn uống quá kiêng khem hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch làm hạn chế sự co bóp của túi mật, dẫn đến dịch mật bị ứ trệ, tạo điều kiện hình thành sỏi; Xác chết của loại giun đũa; Vệ sinh kém…

Theo BS Nguyễn Mạnh Trường, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện 19-8 chia sẻ, sỏi túi mạt triệu chứng không rõ ràng, có người đau bụng, giun chui lên, nhưng có người chỉ phát hiện được qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Để phát hiện sớm các bệnh lý về túi mật, sỏi túi mật và polyp túi mật, cách đơn giản là siêu âm ổ bụng. Những người đã có sỏi túi mật cần khám ống tiêu hóa để phát hiện bệnh kèm theo.

Thực tế, nhiều bệnh nhân phát hiện sỏi túi mật rồi nhưng không điều trị theo chỉ định bác sĩ mà lại dùng các loại thuốc nam theo mách bảo nên đã rước những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Sỏi túi mật có thể biến chứng thành viêm túi mật cấp, viêm phúc mạc, viêm tụy nếu không được điều trị kịp thời. Viêm túi mật cấp bệnh nhân thường đau nhiều, sốt, để lâu sẽ vàng mắt, vàng da, nặng nề nhất sẽ nhiễm trùng, nhiễm độc và biến chứng khó lường. Còn khi bệnh nhân xuất hiện biến chứng viêm tụy thì men tụy tăng cao, bụng trướng, xơ tụy, dẫn đến hỏng tụy.

Cắt túi mật không ảnh hưởng tới sức khỏe

Khi đã xác định được bệnh sỏi túi mật, nên phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt túi mật do polyp để tránh những biến chứng như viêm hoại tử túi mật, viêm phúc mạc mật, phòng ngừa ung thư đường mật. Trước kia, với bệnh sỏi túi mật chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân phải mổ mở, vết mổ dài, trải qua một cuộc phẫu sẽ có nguy cơ biến chứng nhiều, mất máu, thời gian hồi phục lâu, yếu tố thẩm mỹ kém. Ngày nay, khoa học phát triển, phương pháp nội soi được áp dụng, bệnh nhân có thể mổ sáng, chiều xuất viện, thậm chí có những bệnh nhân mổ hôm trước, hôm sau đã đi du lịch nước ngoài…Tuy nhiên, nhiều người lo lắng sau khi cắt túi mật cơ thể sẽ yếu, bài tiết kém.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Trường cho hay: Túi mật đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, cô đọng và bài tiết dịch mật từ gan tiết ra. Khi ăn thức ăn, túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật qua đường mật vào ruột non nhằm tiêu hóa thức ăn. Những lắng đọng bất thường của các thành phần chính trong dịch mật sẽ hình thành nên bùn mật, sỏi mật.

Tuy nhiên khi bị sỏi túi mật, thường được nội soi cắt túi mật. Song, bạn hoàn toàn có thể sống bình thường mà không có túi mật. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy người bệnh sẽ giảm tuổi thọ sau khi loại bỏ túi mật. Khi túi mật bị cắt bỏ dịch mật không còn nơi để lưu trữ mà đổ trực tiếp từ gan xuống tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Thời gian đầu người bệnh có thể gặp một vài vấn đề về rối loạn tiêu hóa như chán ăn, chậm tiêu, ngứa, đau bụng…. Khi cơ thể dần thích nghi với sự thiếu vắng thông qua việc gan bài tiết dịch mật trùng với bữa ăn thì các triệu chứng trên cũng dần biến mất.

Sau khi cắt bỏ túi mật người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu, giúp phục hồi nhanh hơn. Cụ thể: giảm ăn đồ mỡ, chất béo, đạm và hạn chế sử dụng rượu bia...

Thay đổi lối sống để tránh sỏi

Việc phòng ngừa sỏi túi mật là vô cùng quan trọng và để phòng ngừa sỏi túi mật các chuyên gia khuyến cáo chúng ta cần phải thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật cũng như làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi như sau:

- Ăn đủ bữa: do thói quen bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, nhất là bữa sáng đừng để cơ thể bị bỏ đói.

- Kiểm soát cân nặng, không để cơ thể bị sụt cân hoặc tăng cân nhanh quá. Không nên nôn nóng trong việc giảm cân phải thực hiện giảm từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Tốt nhất là nên giảm khoảng 0,5 - 1kg mỗi tuần.

- Dinh dưỡng hợp lý: Nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol. Giảm bớt lượng chất béo, tinh bột và tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, trái cây. Tích cực uống nhiều nước mỗi ngày.

- Thường xuyên vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 - 45 phút mỗi ngày.

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top