Cướp có văn hóa

Cướp có văn hóa là một đòi hỏi quá khó, bởi lễ hội là phải đông, phải lộn xộn. Nhất là nay, lễ hội ngày càng được mở rộng, người khắp nơi kéo đến, nếu ban tổ chức lại chạy theo lợi nhuận thì càng thêm lộn xộn.

Hình minh họa.

Từ đầu năm đến giờ tôi chưa đi cái lễ hội nào vì sợ đông người. Có tí tuổi, lại yếu bóng vía, không có nhu cầu xin xỏ gì, lại xét sức mình không chen được, đến đấy có khi ngất…, nên chỗ nào vắng thì tôi đi, chỗ nào người ta đổ xô đến thì tránh.

Vậy mà chỉ riêng đọc các bài viết về chuyện tranh cướp lộc ở các lễ hội cũng đã thấy mệt. Mệt vì cảnh chen chúc, tranh cướp một phần, còn đến mười phần mệt vì người viết dùng các từ ngữ to tát quá, nghiêm trọng quá khiến người đọc thấy hoảng sợ. Cứ làm như giờ đây người ta mới tranh cướp dữ như thế.

Thực ra cứ nói đến lễ hội là phải đông, phải lộn xộn rồi. Trước đây lễ hội chỉ trong phạm vi làng, việc đi lại chưa thuận tiện nên dù sao số lượng người tham dự còn hạn chế.

Chứ ngày nay, đi lại dễ dàng hơn, lễ hội được mở rộng thành cấp nọ cấp kia, người khắp nơi kéo đến nên quy mô lớn gấp nhiều lần. Mà càng đông người thì càng lộn xộn, nhất là tổ chức chưa tốt hay vì chạy theo lợi nhuận… thì lộn xộn, cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa đã có phần cướp lộc, cướp ấn… thì không thể tránh được tình trạng chen lấn, xô đẩy. Cứ thử hình dung, lễ hội gì mà người ta xếp hàng để nhận lễ, liệu có hợp lý không, có khác gì phát chẩn không.

Mà phải tranh, phải cướp… thì cái thứ mà mình nhận được nó mới quý, mới thiêng. Đó là văn hóa dân gian, tín ngưỡng dân gian. Ngay trên thế giới cũng vậy, những lễ hội lớn năm nào cũng có người chết vì chen lấn.

Tôi rất ấn tượng với những hình ảnh và lời bình trên truyền hình về lễ hội đền Trần (Nam Định) về việc những người cướp ấn chủ yếu lại ở khu vực khách mời, có giấy mời, có thẻ đại biểu hẳn hoi, chứ dân thường không có suất vào đây.

Ngay cả đại biểu có giấy mời còn thế, làm sao đòi hỏi dân phải cướp có văn hóa. Hơn nữa, đừng cái gì cũng đòi hỏi phải có văn hóa đến mức đòi người ta cướp có văn hóa thì quả là nực cười.

Thực ra không có mặt ở đấy, ai trong chúng ta cũng có thể rất bình tĩnh, tỉnh táo để phê phán, lên án… Nhưng nói thật, nếu có đến đấy chúng ta rồi cũng bị cuốn vào cái cuộc tranh cướp hỗn loạn đó mà thôi.

Vậy nên nếu có sợ những đám đông, sợ phải chen lấn, thì đừng đến những chốn ấy nữa.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top