Cuộc sống “bỏ phố về rừng” không như mơ

Nếu không có kinh nghiệm làm nông, không có vốn tài chính, cuộc sống “bỏ phố về rừng” vô cùng chật vật...

Từng ôm mộng tạo dựng một cuộc sống thanh bình, sống chậm, sống ung dung tự tại như thơ giữa núi rừng song nhiều người nhanh chóng nhận ra “đời không như là mơ”.

“Đời không như là mơ”!

Chị Đinh Thị Mai Hương, sống ở huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk (32 tuổi) đã bỏ phố về vườn được hơn 5 năm. Với chị, đó là một hành trình dài đầy khó khăn, lo lắng, sợ hãi, chán nản và cô độc. Đến giờ sau hơn 5 năm, mọi thứ vẫn ngổn ngang, không thơ mộng như những viễn cảnh nhiều người tưởng tượng khi bỏ phố về rừng.

ôm mộng tạo dựng một cuộc sống thanh bình, sống chậm, sống ung dung tự tại như thơ giữa núi rừng song nhiều người nhanh chóng nhận ra “đời không như là mơ”

ôm mộng tạo dựng một cuộc sống thanh bình, sống chậm, sống ung dung tự tại như thơ giữa núi rừng song nhiều người nhanh chóng nhận ra “đời không như là mơ”

Sinh ra trong gia đình làm nông nhưng chị Hương được bố mẹ bao bọc từ nhỏ, chỉ ăn học, không phải làm nương rẫy. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk, làm nghề nhưng không ổn định, công việc nhiều lúc căng thẳng, chị Hương quyết định bỏ phố về rừng.

Về quê tay trắng, bố mẹ cho 5 sào đất trồng cà phê, chị Hương lập gia đình và bắt đầu cuộc sống làm nông với những chuỗi ngày khó khăn. Chị phải đối mặt với những con vật thường ngày phụ nữ vô cùng sợ hãi: rắn, rết, sâu bọ, chuột, cóc nhái... Không thể thơ mộng, an nhàn cũng như làm chủ thời gian của mình vì ngày nắng cũng như ngày mưa phải ra vườn, chăm sóc, thu hái, cày cuốc... Làm nông, phải theo thời vụ, chậm là hỏng hết, mất trắng bao công sức. Cây trồng phụ thuộc rất nhiều yếu tố để ra thành phẩm chứ không phải cứ đặt xuống đất là xong. Nuôi con gì cũng vậy, phải canh chừng, cho ăn đúng bữa, chữa đúng bệnh chứ không chúng lăn ra chết.

Có nhiều điều khác xa viễn cảnh thơ mộng về làm nông mà các bạn trẻ từng nghĩ tới. Để có tiền trang trải đầu tư cho cây trồng vật nuôi và chi tiêu gia đình, người nông dân phải chăm chỉ làm lụng, thu hoạch từng mớ rau, con cá, quả chuối, quả trứng, con gà... mang đi bán. Làm nông dân không thể có da trắng trẻo, thơm mùi nước hoa mà đen đúa, đượm vị mồ hôi, quần áo ra đồng bẩn thỉu, chân tay thô ráp... Quanh nhà lúc nào cũng đầy tiếng côn trùng; sống chung với rắn, chuột, sâu bọ, muỗi, gián...; gà “ị” đầy sân. Cuộc sống về rừng nhiều đêm trằn trọc với nước mắt. Không ít lần chị Hương hối hận vì lựa chọn bỏ phố về quê. Đó cũng là lý do những người làm nông từ nhỏ chọn hướng thoát lên thành phố, nhất định không chịu về rừng.

Sống chậm do nhiều yếu tố

Là người từng “bỏ phố về rừng”, chị Vũ Thu Hằng (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết muốn bỏ phố về quê hoặc bỏ phố về rừng để an nhàn phải có đủ tài chính. Ai quyết định bỏ phố về quê cũng đều gặp trở ngại đầu tiên là vấn đề kinh tế. Tối thiểu nhất phải đủ tài chính cho 2 năm đầu không có thu nhập, chưa kể còn tiền học cho con, lúc ốm đau, tiền đầu tư công cụ máy móc, cây giống, con giống...

Theo chị Hằng, không phải ai bỏ phố về rừng cũng thành công. Khi tài chính bị eo hẹp, thâm hụt, thiếu thốn thì cuộc sống ở núi rừng hay quê hương cũng sẽ không còn lý tưởng. Nhịp sống ở rừng vắng vẻ nên có cảm giác chậm nhưng không hề an nhàn. Ở quê hay về rừng sẽ có những áp lực khác. Nếu chưa thực sự yêu thích, muốn trở về thiên nhiên, nhiều người sẽ bỏ cuộc vì vất vả, nhàm chán, buồn tẻ, vật chất thiếu thốn, mọi thứ đều phải tự tay làm. Ở phố hay rừng, muốn sống chậm phải có thu nhập ổn định, đều đặn, đủ trang trải cuộc sống, phải rèn luyện thay đổi cả thân và tâm, sống buông bỏ, có suy nghĩ tích cực...

Cả chị Hương và chị Hằng đều cho rằng, nhịp điệu sống chậm thường thích hợp với những người đã về hưu, có lương tháng đều đặn hoặc về quê sau khi đã kiếm thật nhiều tiền. Những bạn trẻ muốn bỏ phố về quê hay về rừng cần xác định rõ ràng vốn tài chính và kinh nghiệm làm nông nghiệp. Từ việc trồng cấy đến bếp núc, sửa máy bơm, xây bể nước, nuôi lợn, làm vườn... đều phải tìm hiểu, học hỏi và tự tay làm. Trước khi bỏ phố về rừng phải hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, thử sống một thời gian xem có phù hợp không. Đặc biệt, phải có sự ủng hộ của người thân, nếu không rất dễ dẫn đến chán nản, thất bại.

Không ít người trẻ làm giàu thành công từ nông nghiệp, làm farmstay, homestay, chăn nuôi, chế biến nông sản… nhưng phải có những lợi thế nhất định về tài chính, kỹ năng sống, mối quan hệ, kỹ năng bán hàng, quản lý... Trước khi quyết định về rừng làm nông nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ quy hoạch địa phương, các yếu tố hỗ trợ phát triển, điện nước, đường giao thông...
Theo Đời sống
back to top