“Cuộc đua” khốc liệt vào các trường Y ở Anh

Tuyển sinh đầu vào ngành Y ở Anh thuộc hàng khắc nghiệt bậc nhất và hầu hết liên quan các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Toán chứ không phải Ngữ văn.

Câu chuyện xét tuyển môn Ngữ văn vào các trường Đại học Y - Dược gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều ý kiến tranh luận về việc đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường đào tạo ngành này như thế nào, nếu xét tuyển bằng khối thi có môn xã hội. Vậy trên thế giới, các trường xét tuyển vào ngành Y như thế nào?

Cùng Mỹ, Australia hay Singapore, Anh nằm trong số các quốc gia có nhiều trường đại học lọt vào danh sách đào tạo Y khoa tốt nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của QS World University Rankings, Anh hiện có gần 100 trường đại học được đánh giá có chất lượng đào tạo trong ngành y khoa tốt nhất thế giới. Tại quốc gia này, thí sinh thi tuyển vào ngành Y phải trải qua quy trình tuyển sinh khốc liệt với tỷ lệ “chọi” cao, liên quan các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Toán.

Theo The Medical Schools Council (MSC), cơ quan đại diện cho các trường Y ở Anh, đối với những điều kiện cơ bản để tham gia xét tuyển vào trường Y bậc đại học ở Anh, thí sinh cần đáp ứng nhiều ứng tiêu chuẩn. Về học thuật, học sinh phải đạt A Level (AAA môn Hoá và 1 môn khoa học khác như Sinh, Toán, Vật lý hoặc Tâm lý học), IB 37 điểm gồm Hoá và 1 môn khoa học khác, 6 GCSEs điểm 7 (A) môn Sinh, Hoá, Vật lý, Toán, Khoa học và điểm 6(B) môn tiếng Anh. Về tiếng Anh, IELTS phải từ 7.0, không kỹ năng nào dưới 6.5, thậm chí một số trường có thể yêu cầu cao hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với ngành Y, các trường ở Anh có bài test đầu vào là UK Clinical Aptitude Test (UCAT - kỳ kiểm tra năng lực lâm sàng bậc đại học), BMAT và GAMSAT được áp dụng bởi các trường đại học khác nhau. Sinh viên phải thực hiện bài test này ở năm học trước khi khoá học Y bắt đầu.

UCAT (University Clinical Aptitude Test - Bài kiểm tra năng lực lâm sàng bậc đại học) là một bài kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, thái độ, tác phong nghề nghiệp cần có của bác sĩ. Bài kiểm tra được thực hiện trên máy tính, bao gồm các phần: Lý luận bằng lời nói; Đưa ra quyết định; Lý luận định lượng; Lý luận trừu tượng và đánh giá tình huống.

BMAT (Biomedical Admissions Test) là bài kiểm tra khả năng áp dụng kiến thức khoa học, toán học, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp bằng văn bản và những kỹ năng cần thiết cho việc học tập ở bậc đại học. Bài kiểm tra được thực hiện trên giấy, gồm các phần: Kỹ năng chung về giải quyết vấn đề và tư duy phản biện; Năng lực vận dụng kiến thức khoa và toán học; Khả năng lựa chọn, phát triển và tổ chức các ý tưởng.

Bài thi GAMSAT (Graduate Medical School Admissions Test) được sử dụng cho kỳ thi tuyển đầu vào sau đại học đối với ngành Y.

Bên cạnh đó, sinh viên ứng tuyển trường Y ở Anh cũng phải tham gia phỏng vấn. Khâu này ở mỗi trường sẽ khác nhau. Khoảng 2/3 các trường ở Anh sẽ có những buổi phỏng vấn nhỏ dưới hình thức đặt tình huống và xem xét cách sinh viên giải quyết vấn đề. Những buổi phỏng vấn được thiết kế để đánh giá học sinh, tìm kiếm sự sáng tạo, thông minh chứ không phải các câu hỏi phỏng vấn đơn giản, phổ biến mà thí sinh có thể tìm thấy trên mạng Internet.

Ví dụ ở St Georges, buổi phỏng vấn mini thường bao gồm 8 câu hỏi, mỗi câu hỏi 5 phút. Sinh viên sẽ có khoảng 5 phút để trả lời phỏng vấn. Những câu hỏi có thể nằm ngoài sách vở, cho đại diện trường đại học thấy được cá tính, suy nghĩ của học sinh có phù hợp trường và chương trình giảng dạy.

Cũng theo MSC, tiêu chí tuyển sinh của các trường Y tại Anh cũng có thể thay đổi hàng năm. Do vậy, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, thí sinh nên kiểm tra thông tin trên các trang web của trường Y trước khi nộp hồ sơ. Sau khi trúng tuyển, sinh viên được đào tạo ngành Y từ 8-10 năm, sau đó tiếp tục nâng cao kỹ năng chuyên môn.

Trong bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2023 của QS (QS World Ranking by Subjects), Vương quốc Anh có 4 trường trong top 10 về đào tạo và nghiên cứu Y khoa. Trong đó, Đại học Oxford có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 2. Các trường còn lại gồm Đại học Cambridge (thứ 5), UCL (thứ 6), Imperial College London (thứ 8).

Năm 2023, theo đề án tuyển sinh dự kiến của hơn 20 trường đại học có đào tạo ngành sức khỏe, 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y khoa. Đó là Trường ĐH Văn Lang, TP HCM với tổ hợp học bạ D12 (Văn, Hóa, Anh); Trường ĐH Duy Tân có tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn) khi xét kết quả thi tốt nghiệp. Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng thêm tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước dư luận của xã hội, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết, với những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn như tổ hợp tuyển sinh đại học, các môn tuyển sinh đầu vào, cần lắng nghe ý kiến từ đơn vị đào tạo, chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, sau khi có nhiều ý kiến về việc một số trường dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y.

Theo Đời sống
back to top