Cuộc đời thăng trầm của Phan Tĩnh – kỳ 2: Đánh Pháp đến cùng

nh Pháp đến cùng, dù tình thế của Phan Tĩnh lúc đó vô cùng bất lợi, quân địch quá mạnh lại có đầy đủ vũ khí, nên việc chống đỡ của quân ta ngày càng yếu.

•  Cuộc đời thăng trầm của Phan Tĩnh

Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859.

 Đánh giặc Đá Vách – lấy công chuộc tội

Tháng giêng năm Đinh Mùi (1847) truy cứu trách nhiệm lúc Phan Tĩnh làm Bố chánh ở Nam Định, vì khi xử lý án giặc không phân biệt rõ trái phải nên lại bị cách chức, giáng bổ làm Án sát sứ Quảng Ngãi.

Đến tháng 7 cùng năm ông lại được thăng thứ Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa. Tháng 8 năm Mậu Thân (1848), để chuẩn bị lễ thăng phụ vua Thiệu Trị ở Dao Cung và lễ tiểu trường ở điện Long An, Phan Tĩnh cùng nhiều vị quan đầu các tỉnh Bắc, Trung, Nam được Khâm điểm về Kinh chờ.

Năm Kỷ Dậu (1849), ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Sau khi về, Phan Tĩnh được bổ làm Chánh sứ tỉnh Quảng Nam. Đến tháng 9 năm Tân Hợi (1851), ông lại được thăng bổ Thự tuần phủ tỉnh Hưng Hóa, một tỉnh vùng cực tây xứ Bắc Kỳ, địa bàn rất phức tạp và hiểm trở, dân số đa phần là người thiểu số.

Tháng giêng năm Giáp Dần (1884), Phan Tĩnh được chuẩn cho thực thụ Tuần phủ Hưng Hóa. Tháng 12 năm Bính Thân (1886) có người dân ở Quảng Nam là Chu Trung Lập gửi đơn lên Kinh tố cáo quan lại tham nhũng tại địa phương, có liên quan đến nhiều người, trong đó có Phan Tĩnh, lúc ông làm Bố chánh tại tỉnh này.

Phan Tĩnh không nhận, cho rằng đấy là vu oan, nhưng không có ai làm chứng cho, nên ông lại bị phạt giáng ba cấp rồi đổi đi nơi khác.     Sau đó Phan Tĩnh bị đưa vào quân thử Quảng Ngãi đối đầu với giặc Đá Vách.

Tại đây, Phan Tĩnh đã phối hợp với Tuần phủ Quảng Ngãi là Chu Phúc Minh đem 1500 người chia ra nhiều ngả để tấn công. Quan quân ở Quảng Ngãi tiến đánh bọn giặc Đá Vách ở làng Y, chiếm cứ các đồn và bắn chết 20 tên giặc.

Trận đánh này do tuần phủ Chu Phúc Minh, tham biện Phan Tĩnh và lãnh binh là Nguyễn Tràng Duyệt đôn đốc. Trận đánh kết thúc thắng lợi, các ông được thưởng và các binh sĩ cũng được thưởng tiền theo cấp bậc khác nhau.

Sau đó Chu Phúc Minh sức khỏe yếu xin về quê, còn lại một mình Phan Tĩnh không đảm đương được việc binh, nên cho tạm rút quân về nghỉ, cho sang năm đến mùa khô ráo sẽ tiếp tục.

Phan Tĩnh tâu rằng: Nếu rút quân về nửa vời, không tránh khỏi quân giặc coi khinh, xin tăng thêm quân để tiếp tục chiến đấu. Nhà vua chuẩn cho một vệ cơ Bình Định và 10 tên pháo thủ ở doanh Thần Cơ.

Phan Tĩnh cùng quan quân tỉnh Quảng Ngãi đem quân đánh sâu vào sào huyệt của bọn giặc. Giặc Đá Vách sợ hãi, một loạt đem nộp người và súc vật đến đầu hàng. Tờ tâu dâng lên, nhà vua thưởng cho Phan Tĩnh và lãnh binh Nguyễn Trường Duyệt gia quân công một cấp, quan tỉnh mỗi người gia một cấp, binh đinh mỗi người một tháng gạo và những người được huy động tham gia cũng chuẩn cho xác thực làm danh sách trình lên, đều cho khen thưởng.

Đánh Pháp đến cùng

Nhờ có chiến công lớn trong việc đánh bọn Đá Vách, Phan Tĩnh được thăng bổ Thự bố chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi thay Lê Thanh Đề.

Tháng giêng năm Kỷ Mùi (1859), quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Được tin cấp báo, vua cử Thượng thư bộ Hộ là Tôn Thất Cáp (Tôn Thất Hiệp) làm Tổng đốc tiễu bộ quân vụ đại thần, Bố chánh sứ Quảng Ngãi Phan Tĩnh làm Tham tán, Vệ úy Hiệp lãnh thị quan Nguyễn Văn Thăng, Vệ úy Tôn Thất Điều đem lính ở Kinh và hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đến ngay Gia Định để đánh giặc.

Tôn Thất Cáp điều quân tới lập doanh trại ở Phú Thọ, cách thành Gia Định khoảng 10km về phía Tây. Khu vực đóng quân gồm các đồn: đồn Trung do Tôn Thất Cáp chỉ huy, đồn Hữu do Trần Ngọc Chung chỉ huy, đồn Cả do Phan Tĩnh chỉ huy, còn vùng ngoài do binh Gia Định và binh đồn điền phụ trách, lính đồn điền vòng ngoài vừa nghe tiếng súng của giặc Pháp đã sợ hãi bỏ chạy cả.

Quân Pháp tiến vào đồn Hữu, Hoàng Ngọc Chung chống đỡ bị trúng đạn chết tại trận. Chúng tiến tới đánh đồn Trung, Tôn Thất Cáp và Tôn Thất Điều đốc thúc quân ở Kinh thành chống trả quyết liệt, giết được nhiều tên địch, quân ta cũng bị thương không kém.

Quân địch quá mạnh lại có đầy đủ vũ khí, nên việc chống đỡ của quân ta ngày càng yếu, các chỉ huy đều bị thương và chết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của các ông bị lùi dần. Cuộc đời dâu bể của Phan Tĩnh cũng lúc lên lúc xuống nhưng vẫn một lòng kiên trung với triều đình chống thực dân Pháp đến cuối cùng.

Dương Tuấn

Theo Đời sống
back to top