Cuộc đời thăng trầm của Phan Tĩnh

Cuộc đời thăng trầm của Phan Tĩnh, một vị quan dưới triều Nguyễn, dù lên hay giáng chức, ông vẫn giữ một lòng kiên trung với triều đình và chống Pháp đến cùng.

Quan triều Nguyễn (ảnh minh họa).

Xin hoãn duyệt tuyển, bị cách chức

Phan Tĩnh còn có tên khác là Phan Vĩnh Định. Ông sinh năm 1860, không rõ ngày tháng, quê quán thôn Tân Hương, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Phiên An (nay thuộc Tân Phú, TP HCM). Phan Tĩnh đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Tân Mão (1881) tại trường thi Gia Định. Năm Mậu Tuất (1838), ông được bổ làm quan đã thăng đến chức Viên ngoại lang bộ Hộ.

Tháng 10 năm 1838 Phan Tĩnh được cử làm Phó biện đi theo thuyền Linh Phượng do Thị lang Lý Văn Phúc sung làm Chánh biện, đi đến Hạ Châu thu mua hóa vật như kẽm, chì, diêm tiêu, súng điểu thương máy đá hạng mới, các loại vải như vũ đoạn, vải trắng Tây Dương… Sau chuyến đi công cán này về, Phan Tĩnh được bổ làm Ngự sử đạo Lạng Sơn, Cao Bằng.

Tháng hai năm Kỷ Hợi (1839) Phan Tĩnh được cử đi cùng với Lang trung bộ Công là Lê Văn Thu. Đoàn gồm 7 người, chia nhau đi lục tỉnh Nam kỳ đặt giá mua các vật hạng. Đến tháng 10, Phan Tĩnh lại được cử đi cùng với Viên ngoại lang Lê Bá Tú sung làm Phó biện, Phó vệ úy Nguyễn Đức Long làm Chánh biện đáp tàu Linh Phượng đi đến tiểu Tây Dương để mua hàng hóa.

Tháng 6 năm Canh Tý (1840), vua sai Phan Tĩnh làm công tác duyệt tuyển ở tỉnh Thanh Hóa. Quan tỉnh tâu rằng: Hạt ấy từ tháng giêng đến giờ nhân dân chết dịch hơn 2000 người. Bệnh dịch vẫn chưa thôi dứt. Tình hình đương lúc quẫn bách, xin cho hoãn việc duyệt tuyển.

Vua chuẩn cho hoãn tới tháng 11 như các địa phương có bệnh dịch khác. Nhưng vua hơi ngờ ngợ vì bệnh dịch xảy ra từ tháng giêng mà sao không thấy quan tỉnh trình báo lên, bèn phái Thư hộ khoa Chưởng ấn cấp sự trung đi dò xét. Lúc về ông Cấp sự tâu rằng, hạt ấy dịch lệ đã lui đến 8, 9, 10 phần. Vua ghét tính dối trá, bèn cách chức Phan Tĩnh và trị tội Thư hộ đốc và Bố chánh tỉnh Thanh Hóa.

Khốn khổ vì làm hỏng vải quý

Tháng 10 cùng năm, vua cho rằng sang năm sau khóa lệ sang nước Thanh tiến cống hàng năm, lại gặp khánh tiết “Lục tuần chính thọ” vua nhà Thanh, sai đình thần sai hai phái bộ cho hai việc.

Theo đó phái bộ sang mừng thọ vua Thanh, do Tả thị lang bộ Binh Nguyễn Đình Tân, đổi bổ Tả thị lang bộ Lễ sung làm Chánh sứ, Hộ khoa chưởng ấn cấp sự trung là Phan Tĩnh đổi bổ Quang lộc tự thiếu khanh, sung làm Giáp phó sứ. Viên ngoại lang bộ Lễ Trần Huy Pháp, gia Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, sung làm Ất phó sứ. Nhưng hai phái bộ này không đi vì cuối năm vua Minh Mạng băng hà, sẽ cử phái bộ sang báo quốc tang mà thôi.

Tháng giêng năm Tân Sửu (1841), Phan Tĩnh được bổ làm Lang trung nội vụ phủ, cùng với Lê Văn Du hội đồng coi giữ ấn quan phòng Nội vụ phủ. Tháng tư, Phan Tĩnh được bổ làm Án sát sứ tỉnh Hà Tĩnh.

Đến tháng 7, ông lại được gọi về làm Thị lang trung ở Nội vụ phủ. Tháng giêng năm Quý Mão (1843), Phan Tĩnh được thực thụ Lang trung Nội vụ phủ. Trong thời gian làm việc tại đây, Phan Tĩnh cùng vài bạn đồng liêu để hỏng thứ vải vũ đoạn gọi là Phương Kiến, bắt phải bồi thường.

Nhưng chưa bồi thường xong thì có lệnh làm thứ áo giáp dệt, nhân xin đem thứ vũ đoạn bị hỏng chắp vá vào, mong xóa được cái án phạt đền. Vua nổi giận, cho đó là sự gian dối. Tháng 7 năm Giáp Thìn (1844), vua ra lệnh cách chức tất cả, bắt khóa tay giao bộ Hình nghiêm trị.

Sau đó, Phan Tĩnh được tha, phát giao đi quân thứ tỉnh Quảng Ngãi, lo làm việc để lấy công chuộc tội. Một thời gian sau Phan Tĩnh được ân xá, trở về Kinh làm việc lại với chức Lang trung bộ Lại. Rồi được bổ làm Án sát Hà Nội.

Tháng 9 năm đó, Phan Tĩnh được đổi thăng thự Bố chánh sứ tỉnh Nam Định. Tháng 12 năm Ất Tỵ (1845), ông được bổ Bố chánh sứ tỉnh Hà Nội. Tháng 8 năm Bính Ngọ (1846), quyền hiệp biện Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Hà- Ninh (Hà Nội- Ninh Bình) là Tôn Thất Lượng chết tại nhiệm sở. Vua sai Phan Tĩnh là quyền Bố chánh đến tế một tuần, rồi cắt 50 người phu lần lượt đi đưa linh cữu về Kinh.

(còn nữa)

Dương Tuấn

Theo Đời sống
back to top