Cuộc đời chìm nổi của Trần Trọng Kim (2): Giấc mộng Nam Kha

Giấc mộng Nam Kha, chính Trần Trọng Kim đã nói như thế về cuộc đời mình. Cũng như chính phủ do ông lập ra thực chất là một chính phủ do Nhật quản lý và là một chính phủ bù nhìn.

Chính phủ Trần Trọng Kim.

Thủ tướng của chính phủ bù nhìn

Bảo Đại thấy để tình hình kéo dài mãi bất bất lợi, cho triệu Trần Trọng Kim vào, ủy cho ông đứng ra lập chính phủ. Trần Trọng Kim từ chối mấy lần nhưng không được, đành phải nhận và cùng với ông Hoàng Xuân Hãn, bàn nhau tìm người xứng đáng làm bộ trưởng.

Trong cuốn hồi ký “Một cơn gió bụi”, Trần Trọng Kim nhấn mạnh “có một điều phải nói cho rõ là trong khi tôi chọn người lập chính phủ, lúc ấy người Nhật không hỏi tôi chọn người này, người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy người làm việc. Và tôi đã định từ trước nếu người Nhật can thiệp vào công việc trong nước thì tôi thôi ngay không làm nữa”.

Mười giờ ngày 17/4/1945, ông Trần Trọng Kim mang danh sách chọn được vào trình Bảo Đại, có cả Yokohama ngồi đó. Sau khi xem xong danh sách, Bảo Đại “phán” được, còn Yokohama nói: “Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn”.

Và cùng ngày chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt và thực chất đây là một chính phủ do Nhật quản lý và là một chính phủ bù nhìn. Nhiều người trong chính phủ đã sớm nhận ra chân lý. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim đã thẳng thắn nhận định về nền độc lập bánh vẽ, nhãn hiệu Nhật Bản. Quân đội, tiền bạc, thông tin, phương tiện giao thông vận tải đều do Nhật nắm cả. Độc lập chỉ là độc lập trên giấy tờ, xếp trong hồ sơ, dán trên tường hoặc đăng trên báo chí mà thôi”.

Trong phiên họp chính phủ ngày 3/8/1945, Bộ trưởng Kinh tế Hồ Tá Khanh phát biểu: “Phong trào Việt Minh càng ngày càng mạnh. Cả nội các chúng ta nên rút lui để cho Việt Minh lên làm việc, may ra họ cứu được đất nước”.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Đình Nam “cũng đồng ý là chúng ta nên rút lui, nhường chỗ cho Việt Minh càng sớm càng tốt”. Ông Nguyễn Hữu Thi và một số bộ trưởng khác ngay lúc đó cũng xin từ chức và hai ngày sau toàn thể chính phủ Trần Trọng Kim xin từ chức, tồn tại được hơn bốn tháng.

Giấc mộng Nam Kha

Trần Trọng Kim trở về với gia đình ở Hà Nội. Ông thấy giữa Pháp và Việt Minh thế nào cũng có cuộc xung đột lớn nên rất lo cho bản thân “trong cuộc binh lửa, ngọc đá đều tan, thì làm sao ở được, mà đi thì đi đâu?”.

Biết rõ tâm trạng đó Quốc dân đảng cho người đến dụ dỗ ông: “Chúng tôi có đủ các cơ quan làm việc bên Tàu, nay lại có ông Bảo Đại ở đó, cụ nên sang bên đó rồi cùng ông Bảo Đại làm việc may ra có ích lợi cho nước”.

Ông Kim nhận lời. Bấy giờ là vào cuối tháng 5 năm 1946, quân Tàu sang giải giáp quân Nhật đã rút về gần hết, chỉ còn một số người ở lại và chính những người này đã đưa ông đi bằng đường bộ khởi hành từ Hà Nội ngày 2/6/1946.

Sau rất nhiều thời gian vất vả, ngày 8/7 ông Kim tới Thượng Hải rồi lên tàu hỏa đến Nam Kinh. Ở đây đi dò hỏi tin thức thì được biết, Bảo Đại hiện đang ở Hồng Kông. Ngày 28/7 Bảo Đại gửi điện cho ông Kim nói “Tôi không có tiền lên Nam Kinh được…”.

Ngày 2/8 ông Kim đến Hồng Kông gặp Bảo Đại. Ông Kim kể lại: “Lời đầu tiên ông Bảo Đại nói với tôi là: Chúng mình già trẻ đều mắc lừa bọn du côn”. Bảo Đại còn nói thêm: “Chưa biết chừng bọn Tưởng Giới Thạch cũng phải cuốn gói chạy ngày nào đó”.

Vào khoảng cuối tháng 1 năm 1947, Bảo Đại cho người đến Quảng Châu mời ông Kim ra Hồng Kông có việc cần. Đến đây mới biết có một đại diện của Cao ủy Đông Dương tên là Cousseau hứa hẹn đủ mọi chuyện và đề nghị ông Kim về Sài Gòn, Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim: “Trong tình thế này, cụ nên về tận nơi trực tiếp với mấy người cầm quyền của Pháp xem tình ý của họ thế nào. Nếu thật làm được thì cụ lại trở ra, ta sẽ tính mọi việc”.

Ngày 2/2/1947, ông Kim xuống tàu, ngày 5 cập bến Sài Gòn. Về đây mới biết tất cả những điều Cousseau hứa hẹn đều là hứa suông.

Ông Kim kể lại: “Một hôm tôi thấy trong một tờ báo Sài Gòn đăng một đoạn rằng: Người Pháp đem tôi về là cốt để tôi không mưu mô bên cạnh ông Bảo Đại… là vì xem ý người Pháp lúc ấy là muốn lợi dụng ông Bảo Đại mà để tôi ở gần ông có nhiều điều bất tiện nên hứa hẹn đủ mọi điều để đưa tôi về. Nếu có lợi dụng được thì dùng, mà không thì để cách xa ông Bảo Đại ra”.

Ở tại Sài Gòn khi thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân lên làm chủ tịch Chính phủ lâm thời của cái gọi là Nam kỳ quốc, có viết thư mới ông Kim ra làm cố vấn, nhưng ông đã từ chối và lên Phnom Penh cư ngụ cùng con gái. Ông Kim nói: “Ấy thế là xong một cuộc đời Nam Kha… nghĩ lại thấy nực cười”.

Chí Đức

Theo Đời sống
back to top