Cung ứng điện cho mùa cao điểm: Vẫn trông chờ điện than

Năng lượng tái tạo, kể cả điện gió đều chịu sự ảnh hưởng của thời tiết. Thêm vào đó là đường dây chưa đáp ứng được truyền tải điện nên năng lượng truyền thống đóng vai trò chủ chốt và quyết định đảm bảo cung ứng điện cho cả nước

Cao điểm nhưng điện gió thiếu gió

Do kinh tế tăng trưởng trở lại sau hai năm đại dịch Covid-19, nguồn điện cung cấp cho miền Bắc sẽ gặp căng thẳng vào dịp hè năm nay. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh dự báo việc sử dụng năng lượng điện tính đến cuối năm 2022 có thể tăng trưởng 8-12%.

Trong khi đó, theo báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I/2022, EVN đã phải cắt giảm công suất của một số nhà máy phát điện do nguồn cung than thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Điều này dẫn đến thiếu hụt 1,365 tỉ kWh điện so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, giá các loại năng lượng phục vụ cho sản xuất điện như than đá đều tăng phi mã, riêng giá than đá đã tăng gấp 3 lần so với năm trước, khiến chi phí sản xuất điện ngày càng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguồn thủy điện cũng không đạt được hiệu suất mong muốn do lượng thuỷ văn cũng có những suy giảm bất thường so với mọi năm; các thuỷ điện lớn trên sông Đà có sản lượng điện rất thấp.

dien.jpg
Năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định đảm bảo cung ứng điện

Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió – kỳ vọng thay thế nhiệt điện – lại đang chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết, và không thể đáp ứng được nhu cầu.

Cụ thể, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tuy công suất hệ thống năng lượng tái tạo lên tới gần 25.000 MW, nhưng có thời điểm điện gió huy động chưa được 1% (0,37%); điện mặt trời cũng chỉ huy động ban ngày (chủ yếu từ 8h sáng đến 3-4h chiều).

"Với những biến động của thời tiết, điện mặt trời lại không phát huy được hết công suất 17.000 MW. Trong khi đó, điện gió, vào ngày 19/3, thời điểm này toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW điện được phát trên hệ thống điện”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, đây là một trong những điểm đặc biệt để thấy sự bất định của năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Cả giai đoạn vừa qua, năng lượng truyền thống đóng vai trò chủ chốt và quyết định đảm bảo cung ứng điện cho cả nước.

Đó là chưa kể, phần lớn các nhà máy điện tái tạo đều tập trung tại miền Trung nên gặp nhiều khó khăn trong truyền tải điện ra miền Bắc.

Dù nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu nhưng chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung, trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc.

Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VIII

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hội đồng thẩm định thông qua, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, tăng lên 217.596 MW vào năm 2035 và đạt khoảng 401.556 MW năm 2045.

Trong đó, cơ cấu nguồn điện chuyển dịch theo hướng giảm điện than, tăng điện tái tạo. Cụ thể, tỷ trọng điện than giảm dần từ 25,7% vào 2030, về còn 9,6% năm 2045. Nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối...) sẽ tăng dần tỷ trọng lên gần 24% vào 2030, tăng lên hơn 50% vào 2045. Chẳng hạn, tỷ trọng điện gió sẽ tăng từ 10,8% lên 15,8% tổng công suất nguồn đặt vào năm 2030, trong đó riêng điện gió ngoài khơi là 4,8%.

Tuy nhiên, với phương án này, vốn để đầu tư rất lớn. Theo tính toán của Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư gần 141,6 tỉ USD, trong đó đầu tư vào nguồn điện là 127,45 tỉ USD và lưới truyền tải 14,14 tỉ USD. Tổng chi phí vận hành hệ thống đến năm 2030 là 317,24 tỉ USD.

Nguyên nhân là truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc (liên miền) sẽ tăng dần từ năm 2030 trở đi với sản lượng truyền tải tăng từ 21 tỉ kWh vào năm 2035 lên 40 tỉ kWh vào năm 2040 và khoảng 52 tỉ kWh vào 2045. Sau đó, sẽ xem xét xây dựng các đường dây truyền tải một chiều từ miền Trung ra Bắc và từ miền Nam ra Bắc từ sau năm 2035.

Chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng điện

Để đảm bảo cung ứng điện đủ cho mùa cao điểm và phục vụ sản xuất, ông Lâm cho biết EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) rà soát các nhà máy điện đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất.

Cùng với đó, rà soát lưới điện của các địa phương, bảo đảm được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý I/2022.

EVN cũng đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản 1 ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; kịch bản 2 ở mức 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.

dien-2.jpg
EVN sẽ chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng điện để ứng phó với mùa cao điểm

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không bảo đảm, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Bởi, làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc tăng cường mua điện từ các quốc gia láng giềng, thúc đẩy lưới điện ASEAN là những biện pháp lâu dài, còn trước mắt cần huy động nguồn điện tối ưu. Hiện, cường độ năng lượng điện rất cao, do đó cần tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Để làm được điều này, Việt Nam cần cần làm tốt 3 yếu tố: tăng chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất sang sản xuất xanh; áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng hiệu quả sử dụng năng lượng và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng năng lượng của người dân, doanh nghiệp.

Theo Đời sống
back to top