Cung dồi dào, tỷ giá bất ngờ tăng vọt có lý do từ vàng?

(khoahocdoisong.vn) - Trong vài ngày gần đây, nhiều ngân hàng thương mại niêm yết giá bán USD tăng mạnh. Diễn biến của tỷ giá này được cho là bất thường. Trong bối cảnh nguồn cung USD vẫn thuận lợi, diễn biến nhảy quãng dài cũng hiếm thấy, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đang ở mức lớn.

USD chạm mức 24.000đ

Mở đầu phiên giao dịch ngày 23/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước tăng 7 đồng và dừng ở mức 23.259 VND/USD. Nếu so với đầu tuần trước, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 50đ.

Các ngân hàng thương mại cũng đều thay đổi biểu niêm yết theo hướng tăng cao so với thời điểm cuối tuần trước. Tại ngân hàng Vietcombank, giá mua USD đầu giờ sáng là 23.480đ, bán ra 23.650đ, tăng thêm 120đ mỗi USD so với phiên liền trước và tăng 360 đồng chỉ trong vòng một tuần.

Ở một số ngân hàng khác như BIDV cũng tăng giá lên 23.450 – 23.610đ, tương ứng giá mua và bán, tăng 80đ so với cuối tuần trước và tăng 320đ trong một tuần. Sacombank niêm yết giá USD tăng 340đ ở cả hai chiều mua bán, dừng ở mức 23.400đ – 23.620đ.

Vọn vẻn trong buổi sáng, số lượt thay đổi bảng giá USD của ngân hàng được tính bằng chục lần. Tuy nhiên, mức tăng vẫn chưa kịch biên độ cho phép.

Không có biên độ giới hạn +/-3% tính từ tỷ giá trung tâm như ở thị trường chính thức, giá USD trên thị trường tự do còn biến động mạnh hơn. Trong đó, nhiều đầu mối đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung, Hà Nội đã tăng giá USD thêm 300đ lên mức 23.850 – 23.950đ, một số điểm đổi ngoại tệ khác chính thức chạm ngưỡng 24.000đ.

Điều đáng nói, thông tin mới nhất từ lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước lại khá lạc quan.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn được tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ”.

Nhiều lý do nhưng thiếu vàng

Giải thích về nguyên nhân tăng, ông Hà cũng giống như nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá. Mặc dù ngân hàng trung ương các nước đã liên tục có các động thái chính sách để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng chính sách này cần có độ trễ trước khi tác động hiệu quả tới thị trường.

Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa VND và USD cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước.

Thực tế cũng cho thấy điều này. Chênh lệch giữa giá mua bán của các ngân hàng được kéo dài lên 220đ, thay vì chênh lệch dưới 150đ trong thời gian trước. Sự kéo dài đó một phần phản ánh cầu ngoại tệ không phải từ các ngân hàng thương mại và cũng nói lên tâm lý lo ngại rủi ro của ngân hàng.

Tuy nhiên, một yếu tố tăng áp lực lên tỷ giá chưa được nhắc đến đó là giá vàng. Trong nhiều năm, phía nhà điều hành coi vàng là độc lập không liên quan đến tỷ giá, nhưng hiện các “tay to” đang làm mức chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới đã doãng ra khoảng 4 triệu đồng. Nguy cơ chảy máu ngoại tệ ở cả kênh chính thức lẫn buôn lậu đang hiện hữu.

Cụ thể, với mức chênh lệch này rất dễ xảy ra tình trạng ngoại tệ bị tuồn ra ngoài  qua con đường buôn lậu. Chẳng hạn, một kẻ buôn lậu bỏ lượng USD nhất định mua 10 lượng vàng ở nước ngoài rồi xách về Việt Nam tiêu thụ, lãi 40 triệu so với giá mua trước đó, rồi đổi toàn bộ số tiền bán được thành USD tiếp tục quay vòng. Theo đó, lượng ngoại tệ bị “chảy máu" ở vòng sau còn nhiều hơn vòng trước, tương ứng 40 triệu đồng.

Trái lại, nếu không muốn ngoại tệ bị chảy máu qua buôn lậu, phía nhà điều hành phải chủ động nhập thêm vàng, cần USD để nhập vàng. Điều này sẽ kéo giảm dự trữ ngoại hối hoặc ảnh hưởng theo chiều tăng đối với tỷ giá.

Như vậy, trong tình hình hiện nay, thật khó có thể kỳ vọng vào một tỷ giá bất động, ổn định quá mức như giai đoạn năm 2018-2019. Thị trường cần chấp nhận biến động nhất định nào đó trong năm nay và mức biến động nhỏ trong khoảng vài phần trăm là một thành công rất lớn của nhà điều hành khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.

Còn về định hướng điều hành trong thời gian tới, ông Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Được biết, như bài trước KH&ĐS đã phản ánh, sau Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 nhưng tỷ giá biến động không quá lớn, một số ngày tỷ giá giảm về sát tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tiếp tục bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà Nước để nâng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 80 tỷ USD.

“Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, vị Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.

Theo Đời sống
back to top