Cửa khẩu Trung Quốc lại siết thông quan hàng Việt Nam

Trung Quốc lại áp dụng các biện pháp siết hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới với Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh từ nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa có công hàm thông báo sẽ tăng cường quản lý, siết chặt và hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc để phòng, chống Covid-19. Sau thông báo này, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng thông báo áp dụng các biện pháp quản lý người, phương tiện qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây để kiểm soát dịch bệnh từ nước ngoài.    

Theo Bộ Công Thương, hiện Trung Quốc đã tạm đóng các cửa khẩu, lối mở biên giới. Hiện còn một số cửa khẩu, lối mở duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nhưng siết các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, như cửa khẩu Hữu nghị Quan (Bằng Tường), Đông Hưng, cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, Thủy Khẩu, Ái Điểm, Động Trung. Lối mở Pò Chài, Lũng Vài (Bằng Tường), cầu phao tạm km3 4 (Đông Hưng), lối mở Nà Ráy (Tịnh Tây).

Cách đây 2 ngày, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng mỗi ngày (sáng 8-11h, chiều 12-14h), nghỉ các ngày cuối tuần và lễ, Tết.

Việc siết chặt thông quan hàng qua biên giới, theo Bộ Công Thương, khiến lượng hàng tồn xuất sang Trung Quốc tại các cửa khẩu tăng trở lại. Hiện lượng hàng nông sản tồn ở các cửa khẩu biên giới lên tới gần 1.700 xe, toa hàng. Riêng cửa khẩu Lạng Sơn tồn gần 1.600 xe, chủ yếu là hàng nông sản, trái cây (dưa hấu, thanh long, xoài...).

Trong văn bản gửi các địa phương ngày 9/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các tỉnh cập nhật thông tin, chủ động điều hành và điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới. Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp không đưa hàng lên biên giới để bán tại các chợ, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các hộ nông dân, cơ sở sản xuất chế biến nông sản và trái cây tươi chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn đã thỏa thuận với phía Trung Quốc và tạo thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới.

"Trong mọi trường hợp không vì mục tiêu giải toả hàng hoá mà coi nhẹ các yêu cầu phòng chống dịch", Bộ trưởng Tuấn Anh lưu ý. 

Về phía cơ quan quản lý nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có thư gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang nước này. 

Bộ Nông nghiệp đề nghị phía Trung Quốc trước mắt kéo dài thêm thời gian thông quan hàng ngày, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá, kiểm dịch để hàng Việt Nam có thể xuất qua biên giới nhanh chóng hơn. 

Trước đó, các cửa khẩu của Trung Quốc đã từng siết chặt thông quan hàng hoá khi nước này đối phó với Covid-19 từ hồi tháng 12/2019. Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu được nối lại tại một số cửa khẩu nhưng năng lực thông quan chưa cải thiện nhiều do hai bên đều ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thiếu nhân lực vận chuyển, bốc xếp hàng hoá. 

Theo vnexpress.net
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top