Cứ thong dong mà sống

là những chia sẻ của TS Lê Thanh Dũng (Viện Khoa học và kỹ thuật bưu điện, tác giả cuốn Suy ngẫm) về cuộc sống, về tuổi già. Có những điều rất vui nhưng cũng đầy tính triết lý khiến ta có một cái nhìn khác về cuộc đời.

Được không làm điều mình không thích

TS Lê Thanh Dũng

Tuổi già, được làm điều mình thích là một hạnh phúc. Nhưng được không làm điều mình không thích cũng là hạnh phúc. Vì khi còn đang công tác, có những việc mình không thích vẫn phải làm. Có những cuộc họp biết là vô bổ đấy vẫn phải dự, có những điều biết là vô ích vẫn phải hoàn thành.

Nhưng đừng vội ghen tỵ với người già, cứ từ từ, sẽ …được già. Người trẻ chưa hề già nhưng người già đã từng trẻ. Cái gì phải tới thì nó sẽ tới.

Nhiều người hỏi, nếu được chọn lại nghề nghiệp liệu tôi có chọn văn chương? Thực ra tôi thích nhiều thứ. Khi đi học rất thích toán, lý, hoá. Làm luận án về truyền thông.

Cái hồi là sinh viên ở Học viện Bưu điện Nam Kinh (Trung Quốc), tôi còn tự học cả tiếng Nga và tiếng Anh, thế mà khi về nước còn tiếc tại sao mình không học Kinh dịch, võ thuật, tại sao không học piano … Và từ bé tôi đã thích văn học, thích và đọc rất nhiều.

Còn về cái chữ “nếu” ấy mà, ngạn ngữ Pháp có câu rất hay: “Với một chữ nếu người ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai”. Nếu thì nhiều lắm.

Nhà văn Nguyễn Khải nói thế này: “…Nếu anh có sống lại thời trai trẻ một lần nữa thì anh vẫn phải làm như anh đã làm, chứ anh không thể rút kinh nghiệm được. Anh vẫn phải có những lời nói ngu ngốc, có những hành động dại dột ấy, có những mối quan hệ vớ vẩn ấy. Cái đó từ tính cách của anh. Anh chả có cách gì khôn hơn tuổi trẻ được… Cũng chẳng có gì phải ân hận nhiều…”

Nhà văn hóa Hữu Ngọc có nói: “.. Tôi cảm thấy (hoàn toàn cảm tính) 70% sự việc trong đời do ngẫu nhiên chi phối, còn 30% do tài đức (hoặc do tính toán bất lương) quyết định. Nhưng hai yếu tố này gắn bó hữu cơ với nhau. Phần trăm bản thân tuy ít hơn nhưng nếu không có nó thì khi cơ hội (thời cơ) đến anh cũng mất toi. Vì vậy làm gì cũng phải cố gắng bản thân hết sức. Nếu thành công thì cũng vui vừa vừa thôi vì phần của anh chỉ có 30%. Như vậy thành hay bại đều thanh thản. Đó là kết luận tôi rút ra cho bản thân tôi thôi.”

Đấy là triết lý sống rất mềm mại và rất đúng.

Chưa bao giờ tập thể dục

Tính tôi rất hay suy nghĩ. Những chuyện lớn chuyện nhỏ mình gặp hàng ngày, tôi đều ngẫm nghĩ rồi rút ra một kết luận nào đó. Nhiều người bảo nghĩ nhiều cho mệt, nhưng không mệt đâu vì mình biết cái gì thì nghĩ, cái gì thì nghĩ để đấy, chứ không hăm hở đi mà giải quyết vấn đề.

Và tôi sống vui, ăn ngon ngủ tốt. Tôi thích nghe nhạc giao hưởng và nhạc không lời, thích đọc những điều uyên bác nhưng không thích tập thể dục.

Có người hỏi trông khỏe thế này chắc tập luyện nhiều. Thực ra tôi chưa bao giờ tập thể dục, có bệnh huyết áp cao thì uống thuốc thôi. Cái lý của tôi hơi khác với mọi người: không khí ô nhiễm như thế cứ căng ngực ra để hít thở làm gì. Bộ xương cũng rệu rã rồi, hùng hục đi bộ làm gì, tựa như chiếc xe đạp khô dầu rồi, ít đạp thì nó tốt hơn.

Tập thể dục là để khoẻ người, nhưng để khoẻ người không chỉ có mỗi cách tập thể dục.

Với con cháu trong nhà, tôi hay căn dặn cách ăn ở nói năng, lễ phép đi thưa về gửi. Vậy thôi, còn khi chúng nó lớn rồi thì tôi không tham gia.

Tôi nghĩ đơn giản, chúng nó hiểu hơn mình về mọi việc của chúng nó. Nhưng khi có yêu cầu thì mình hết lòng, giúp được gì thì giúp. Con người ta sống đừng trách móc mà thông cảm chia sẻ nhiều hơn.

Tuệ Minh (ghi)

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top