Củ cải Nhật Bản không siêu bổ dưỡng

(khoahocdoisong.vn) - Trong khi củ cải trong nước có lúc chỉ có giá vài nghìn đồng/kg thì củ cải nhập khẩu từ Nhật Bản có giá đến 300 nghìn đồng/kg.

Củ cải không phải nhân sâm

Lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại nông sản gồm rau củ quả trong nước, nhiều người có xu hướng mạnh tay chi tiền để mua đồ nhập khẩu. ần đây, trào lưu ăn củ cải Nhật Bản lại khiến chị em tò mò tìm hiểu để ăn thử. Chị Hoàng Diệu Phương Linh ở Nguỵ Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua 1 củ cải nhỏ nhỏ có giá 150 ngàn đồng về để kho thịt.

Hàng Nhật Bản giá rất đắt đỏ, thường gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần so với giá hàng cùng loại tại Việt Nam. Song, đổi lại hàng Nhật lại có chất lượng tốt và độ an toàn cao hơn nên chị hay chọn mua về cho gia đình ăn. Củ cải ngoài chợ bán nhiều và rất rẻ, nhưng chị không mua vì không phân biệt được đâu là củ cải Trung Quốc, đâu là củ cải Việt Nam, nên chị chọn hàng Nhật Bản.

Theo ghi nhận của phóng viên tại thị trường hàng xách tay, củ cải Nhật đang có giá khá cao, dao động 250.000-300.000 đồng/kg. Với mức giá này, củ cải Nhật đắt gấp nhiều lần giá củ cải Việt Nam. Song, các chủ hàng tiết lộ, dù giá thuộc diện khá đắt đỏ, nhưng củ cải Nhật vẫn được dân nhà giàu rất chuộng mua về ăn. Nhờ đó, có đầu mối bán cả tạ củ cải loại này mỗi tuần.

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ Sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ở trong các điều kiện giống, gieo trồng, chăm sóc tốt, củ cải sẽ cho chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, củ cải trồng trong nước hiện nay cũng có chất lượng khá cao, thơm ngon, giá thành rẻ. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu mức giá chênh lệch như thế thì chất lượng chênh lệch thế nào?

Chắc chắn là nếu củ cải Nhật Bản được trồng theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện chăm sóc nghiêm ngặt thì có thể các thành phần dưỡng chất cao hơn một chút, nhưng về bản chất nó vẫn là củ cải, không thể là nhân sâm được. Nên không thể có chuyện củ cải siêu đắt thì siêu bổ dưỡng, thơm ngon và an toàn tuyệt đối như nhiều người nghĩ.

“Giá đắt một phần vì tâm lý người mua, một phần khác là do các thương lái thổi giá đánh vào tâm lý ấy. Tôi cho rằng chất lượng nó cũng chẳng hơn gì nhiều so với củ cải Việt Nam đâu. Ai có tiền không biết tiêu vào việc gì thì cứ mua về mà dùng thôi”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

Chỉ ăn củ cải đúng mùa

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, trào lưu mua thực phẩm nhập khẩu với giá cực đắt như vậy xuất phát từ nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, nếu có kiến thức, có kinh nghiệm để chọn mua thì không việc gì phải mất một số tiền lớn như vậy chỉ để sử dụng những thực phẩm bình dân, thông dụng, được bán nhiều ngoài chợ, trồng nhiều ở khắp nơi.

“Nếu lo sợ mua phải củ cải Trung Quốc thì chỉ nên ăn củ cải vào đúng mùa. Thời điểm này đang là đầu mùa, nếu nhà nào gieo trồng sớm thì đã có củ cải để bán. Đến khoảng sau Tết thì hết mùa củ cải. Ngoài thời điểm đó, tuyệt đối không ăn củ cái tránh tình trạng ăn phải đồ sử dụng chất bảo quản.

Ngoài ra, củ cải Việt Nam có trọng lượng nhỏ, thuôn đều chứ không quá to. Hiện nay có nhiều giống củ cải khác nhau, việc xác định nguồn gốc của chúng không khó”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

Vậy củ cải Trung Quốc có an toàn không? Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, rất khó để khẳng định điều này. Chỉ biết rằng củ cải từ Trung Quốc thì có giá rất rẻ, có khi chỉ vài ngàn đồng/kg trong khi củ cải trồng trong nước thì giá thành phải cao hơn. Giá rẻ như vậy vì họ sản xuất hàng loạt, chi phí thấp, điều kiện khí hậu phụ hợp để cho năng suất cao. Còn việc có sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng hay thuốc bảo quản hay không thì các cơ quan phụ trách nhập khẩu phải kiểm soát.

“Nếu lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, người dùng nên chọn loại củ cải có thể truy xuất nguồn gốc ở các cửa hàng thực phẩm sạch, có giá thành không quá cao, nhưng yên tâm về chất lượng”, ThS Nguyễn Mạnh Khải.

Theo Đời sống
back to top