Covid-19 “uy hiếp” Hà Nội, Bắc Giang bùng dịch dữ dội

(khoahocdoisong.vn) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đang “uy hiếp” nhiều nơi, không rõ nguồn lây, có nguy cơ kéo dài hơn các đợt dịch trước. Trong khi đó, tình trạng cách ly F1 quá tải sẽ xảy ra nên Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn cách ly F1 tại nhà để tránh lây nhiễm chéo và giảm gánh nặng về kinh tế.

Nhiều chùm ca bệnh không rõ nguồn lây

Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa phương có nguy cơ dịch bệnh lây lan cao, mà tại nhiều tỉnh, thành dịch cũng diễn biến khó lường, nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM... phát hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng mà không rõ nguồn lây.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giám sát các bệnh viện điều trị tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giám sát các bệnh viện điều trị tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ ngày 29/4 đến sáng ngày 25/5, Hà Nội ghi nhận 139 ca mắc, trong đó có 4 chùm ca bệnh mới phát sinh chưa rõ nguồn lây tại Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Park 11 Times City, chùm ca bệnh ở Hưng Yên và Bệnh viện Bắc Thăng Long Hà Nội.

Đây là các chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan tới các địa điểm có rất nhiều người. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp dịch tễ. Chùm ca bệnh này có thể đến 2 - 3 chu kỳ lây nhiễm và chưa xác định được nguồn lây. Do đó, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng, vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.

Chẳng hạn, liên quan đến chùm ca bệnh tại Times City, hai mẹ con người Ấn Độ dương tính sau một tháng nhập cảnh, có thể là do lây nhiễm trong khu cách ly, nhưng cũng có thể là rời khỏi khu cách ly tiếp xúc với nhiều người bị hây nhiễm mà không biết.

Công an phường Cửa Đông, Hà Nội nhắc nhở các cửa hàng không để khách tiếp tục ngồi sau 12h00 ngày 25/5.

Công an phường Cửa Đông, Hà Nội nhắc nhở các cửa hàng không để khách tiếp tục ngồi sau 12h00 ngày 25/5.

Để đối phó với dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế Hà Nội không chỉ đề nghị các đơn vị tiếp tục thần tốc truy vết các trường hợp F1 và người liên quan, siết chặt quản lý, nâng công suất xét nghiệm lên 6 lần... mà còn tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu; các hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng... từ 12h ngày 25/5/2021. Đặc biệt, TP Hà Nội cũng yêu cầu tất cả người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội thời điểm từ ngày 10 - 24/5/2021 đều phải khai báo y tế...

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, dịch bệnh có nguy cơ kéo dài hơn các các đợt dịch trước, Bắc Ninh, Bắc Giang... vẫn có thêm các ca bệnh. Do vậy, cần luôn luôn đặt công tác phòng, chống dịch trong trạng thái báo động cao nhất và phải tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt nhất, bao gồm cả về giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa, dừng hoạt động...

Một số khách hàng vẫn tự nhiên ngồi uống nước sau khi có lệnh tạm dừng hoạt động.

Một số khách hàng vẫn tự nhiên ngồi uống nước sau khi có lệnh tạm dừng hoạt động.

Báo cáo cho thấy, Bắc Ninh đã phải xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có hơn 1.000 ca mắc Covid-19, trong đó dự kiến 25 - 30% ca nặng và 10% ca rất nặng... đến nay, tỉnh Bắc Ninh đang cách ly hơn 70.000 người; Bắc Giang cũng đang phải dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 người. Hàng vạn người dân ở các tỉnh thành khác cũng đang phải sinh sống trong vùng cách ly, phong tỏa...

Theo thông tin từ bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, đến đầu giờ chiều ngày 25/5 tại Bắc Giang đã ghi nhận thêm hơn 300 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các công nhân dương tính này đều đang lưu trú tại khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đang được kiểm soát.

Bộ Y tế yêu cầu bộ phận công tác đặc biệt của Bộ đang chỉ đạo chống dịch tại Bắc Giang ngay lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; Đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống; Áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung. Tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.

F1 chưa chắc đã là bệnh nhân, đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà

Đề phòng tình huống có nhiều người bị nhiễm, nhiều F1 mà khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà.

Lực lượng shiper xếp hàng đợi để lấy đồ.

Lực lượng shiper xếp hàng đợi để lấy đồ.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng quy định hướng dẫn về cách ly y tế F1 tại nhà. Bởi hầu hết F0 tại Bắc Giang được phát hiện trong các khu công nghiệp, đây là nơi có mật độ đông, tiếp xúc rất lớn nên khi có 1 ca dương tính có thể phải cách ly hàng trăm F1. Cách ly tập trung cùng lúc hàng nghìn F1 sẽ rất khó khăn trong sắp xếp chỗ ăn ở, phục vụ sinh hoạt, nếu lên tới hàng trăm nghìn F1 thì không đủ cơ sở vật chất. Trường hợp cách ly tập trung không đảm bảo sẽ làm lây nhiễm chéo, rất nguy hiểm. Vì vậy, cần tính đến phương án cách ly F1 tại nhà khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, không phải tất cả các F1 đều được cách ly tại nhà, mà chỉ F1 có “nguy cơ thấp” sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà như đối với F2. F1 được coi là “nguy cơ cao” khi tiếp xúc gần với bệnh nhân trong phòng kín, có bật điều hòa, không đeo khẩu trang, khoảng cách dưới 2m...

Hầu hết các cửa hàng chấp hành lệnh tạm dừng hoạt động, chỉ bán hàng mang về.

Hầu hết các cửa hàng chấp hành lệnh tạm dừng hoạt động, chỉ bán hàng mang về. 

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc thí điểm cho F1 cách ly tại nhà là điều rất tốt. Vì thực tế, F1 chưa chắc đã là bệnh nhân. Nếu ở cách ly tập trung cùng nhau, đông F1 sẽ tốn tiền của Nhà nước và có thể tiềm ẩn việc nhiễm bệnh, bị lây chéo. Có những người F1 có thể chưa phải là bệnh nhân nhưng vào khu cách ly tập trung, bị lây nhiễm chéo đã trở thành bệnh nhân...

4 điều kiện F1 “nguy cơ thấp” cách ly y tế tại nhà đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn phòng chống dịch

1. Chỉ cách ly tại nhà với các gia đình có đủ điều kiện cơ sở vật chất như có phòng riêng, thông thoáng, khu vệ sinh khép kín, có xà phòng rửa tay, thùng rác có nắp đậy…

2. Người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương, tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, ghi lại kết quả đo nhiệt độ và tình trạng sức khỏe vào phiếu; thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng thường xuyên, không ăn chung, ngủ chung với người trong gia đình, tại nơi lưu trú; thông báo ngay cho nhân viên y tế khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi… Khi cách ly tại nhà, đặc biệt lưu ý thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.

3. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát chặt và theo dõi sức khỏe người cách ly tại nhà; có trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải hằng ngày đúng quy định phòng dịch bệnh. Nhân viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn gia đình các quy định, cách thức theo dõi sức khỏe, thu gom rác, khử trùng nhà cửa…

4. Áp dụng chế tài xử lý nghiêm theo quy định khi phát hiện người cách ly không tuân thủ đúng các quy định cách ly tại nhà.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top