Covid-19 thách thức tăng trưởng

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu năm 2020 cần có tư duy đột phá chính sách và hành động để “hoàn thành đầy đủ, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã giao”.

Ba lần nêu quyết tâm: Phải đạt

Về cụ thể, tại cuộc họp ngày 27/2, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ngay từ thời điểm này, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 (có tên gọi mới là SARS-CoV-2) có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu “cần phải có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là năm thành công về kinh tế, ổn định về xã hội, hoàn thành đầy đủ, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã giao”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đó, Bộ Tài chính cần nhanh chóng soạn thảo và trình Chính phủ phương án về giảm thuế, giãn thuế, hoãn thuế, chậm nộp thuế, giảm phí logistics và một số vấn đề khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Việc giảm áp lực này cho các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có sức, có đà vươn lên. Nhất là tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng bị tổn thương của dịch bệnh…

Có thể thấy, từ thời điểm dịch SARS-CoV-2 bùng phát và đe dọa các nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, thì đây là lần thứ 3 Thủ tướng nhắc lại quyết tâm hoàn thành đầy đủ, toàn diện các mục tiêu của năm 2020 được giao.

Trước đó, trong các kỳ họp tháng 1 và tháng 2 với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần đặt quyết tâm “không hạ mục tiêu tăng trưởng”, và “chưa bàn” hạ mục tiêu tăng trưởng 2020.

Trong khi đó, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ KHĐT đã xây dựng kịch bản phát triển kinh tế Việt Nam 2020 khi chịu tác động của dịch SARS-CoV-2. Các kịch bản do Bộ KHĐT xây dựng đều cho kết quả tăng trưởng năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,4 - 0,6%, do tác động của dịch bệnh. Các kết quả giảm tăng trưởng tương tự cũng được một số chuyên gia nghiên cứu, nhóm nghiên cứu tiến hành, dự báo và công bố.

Như vậy, giữa dự báo của giới chuyên gia, cơ quan trực thuộc và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã có khoảng cách khá xa. Câu hỏi tự nhiên đặt ra, căn cứ vào những yếu tố nào để Thủ tướng vẫn tin tưởng và quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020?

Đạt bằng cách nào?

Một gợi ý trả lời cho câu hỏi này có thể dẫn từ cuộc làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Tổ Tư vấn và các thành viên tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn những giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, những điều chỉnh chính sách trước tình hình mới.

Về cụ thể, trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Tổ Tư vấn đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến quan hệ thương mại Mỹ - Trung và những điều chỉnh về chính sách của các nước lớn ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tư vấn những thông điệp chính sách, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đồng thời là đầu mối huy động các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng. Tư vấn chương trình xây dựng pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định đang là rào cản, để tạo đột phá trong cải cách thể chế, kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách xử lý các vướng mắc, vấn đề phát sinh…

Trước ngày 30/4/2020, Tổ Tư vấn chuẩn bị và có báo cáo các giải pháp khơi thông các điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế, và chủ trương, đường lối phát triển của TPHCM thành trung tâm tài chính của khu vực, trình Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy người đứng đầu Chính phủ đã áp dụng công thức “theo dõi chặt – tư vấn sớm - chọn trọng tâm” như là nguyên tắc điều hành chủ đạo để duy trì đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Tính ứng biến linh hoạt trong điều hành do thế sẽ được tăng lên.

Trong một phát biểu khá tương đồng, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Hội đồng chính sách tư vấn tài chính – tiền tệ quốc gia – cho rằng, trong lúc này không nên bàn tới nới lỏng hay bơm tiền vào nền kinh tế để duy trì tăng trưởng. Mà nếu sáng suốt, bình tĩnh lựa chọn các giải pháp để bù đắp cho sự suy giảm thì Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP.

Lý do, ông Phước nhận xét dư địa tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn còn. Chẳng hạn như cần quyết liệt và có giải pháp để giải ngân đầu tư công tăng cao hơn nữa. Ông Phước cho rằng “Chính phủ có thể trình Quốc hội phương án tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công lên”.

Sau đó là mở rộng thị trường, khai thác nhanh nhất hiệu quả từ các Hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP… để tăng xuất khẩu ròng. Đồng thời có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về nợ đọng thuế, giảm thuế.

Tuy nhiên, về thực chất cũng có thể thấy, bản thân việc tăng giải ngân đầu tư công, tăng nợ công về bản chất cũng là tăng bơm tiền vào nền kinh tế để đảm bảo chỉ tiêu phát triển. Trong khi việc tăng hiệu quả khai thác các hiệp định thương mại sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện. Và việc giảm thuế chỉ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, chứ không đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng.

Nói cách khác, với đặc trưng nền kinh tế ngày càng phục thuộc lớn vào xuất nhập khẩu, thì khi xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do dịch bệnh, giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam chỉ gói gọn lại trong nguyên tắc tăng chi tiêu trong nước.

Xem ra, để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2020, khả năng nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ là khó tránh khỏi. Tất cả chỉ chờ diễn biến dịch bệnh cho tới cuối tháng 3/2020.

Theo Đời sống
back to top