Covid-19 khiến dân giảm mua, nhà bán lẻ run sợ

(khoahocdoisong.vn) - Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, việc đi lại mua sắm của người dân vẫn được duy trì nhưng giảm mạnh. Cơ cấu tiêu dùng tại các gia đình có sự thay đổi đáng kể do chi tiêu giảm mạnh.

Dân giảm mua, nhà bán lẻ run sợ

Theo nghiên cứu mới đây của Nielsen Research Việt Nam, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Người dân tăng cường tích trữ phòng ngừa các sản phẩm thiết yếu, tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online... Điều này được phản ánh rõ qua thống kê của các trung tâm siêu thị, điện máy lớn.

Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Mediamart công bố, doanh thu hàng điện máy giảm từ 30 - 40%, duy chỉ có mặt hàng máy sấy, máy hút ẩm, máy lọc không khí được tiêu thụ nhiều hơn trước.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, các hoạt động dịch vụ, bán lẻ, du lịch giảm mạnh đã kéo theo nguồn tiêu thụ hàng hóa nói chung và lương thực thực phẩm nói riêng ở hệ thống nhà hàng, khách sạn giảm mạnh. Lo ngại về dịch bệnh và thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, người dân giảm tần suất đi mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Một số điểm bán hàng tạm ngưng hoạt động vì không có khách.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng của năm 2020 đạt khá khiêm tốn là 1.520.000 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%). Tuy nhiên, đại diện hệ thống siêu thị bán lẻ Lotte, Aeonmall, Saigon Co.op… cho biết, sức mua tăng đột biến tại những thời điểm nhất định, chủ yếu tập trung vào một số hàng hóa nhất định như lương thực thực phẩm, đồ dùng gia dụng, sản phẩm tẩy rửa vệ sinh, sát khuẩn, y tế. Còn lại, hàng ngàn mặt hàng khác có sức mua chậm, thậm chí là sức mua bằng không. 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293.000 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257.400 tỷ đồng, giảm 15,3%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16.800 tỷ đồng, giảm 64,7%... 

Tình trạng trên kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN đã phải tạm ngưng hoạt động sản xuất hoặc giảm công suất sản xuất. Theo Bộ KH&ĐT, riêng trong tháng 4/2020, đã có đến 4.121 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68,1% so với tháng trước và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bán lẻ sẽ buộc phải thay đổi, nhưng theo cách nào?

Ghi nhận sơ bộ tại nhiều tuyến đường mua bán sầm uất trên địa bàn TPHCM như Nguyễn Trãi (kéo dài từ quận 1 đến quận 5); Lê Lợi, Lý Tự Trọng (quận 1); Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, quận 3)… rất nhiều cửa hàng bán lẻ đã được các cơ sở kinh doanh, tiểu thương ngưng kinh doanh hoặc trả mặt bằng thuê. 

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ là nhờ hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng tăng sử dụng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn có khả năng kéo dài nên việc giảm sức mua nhiều mặt hàng, ngoại trừ mặt hàng thiết yếu, sẽ tác động mạnh đến ngành bán lẻ trên toàn thị trường.

Do đó, cùng với việc đẩy nhanh các gói hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ, giảm hoặc miễn chi phí, lệ phí với doanh nghiệp bán lẻ, các cơ quan chức năng cần tính đến những giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn cho đặc thù ngành bán lẻ. Trong đó, cần có những giải pháp hỗ trợ chi phí duy trì mặt bằng, đổi mới hình thức quản lý, quản trị bán hàng từ trực tiếp sang online. Đặc biệt, đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ công nghệ để phát triển hệ thống thương mại điện tử, hỗ trợ vốn để nâng cấp hạ tầng…

Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ cần chủ động chuyển đổi mạnh mẽ sang hình thức thương mại điện tử kết hợp gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng tận nhà để duy trì ổn định sức mua, tạo điều kiện hỗ trợ DN sản xuất duy trì hoạt động của mình.

Để khôi phục việc khách hàng trực tiếp đi mua sắm, doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường các kênh bán hàng nhỏ lẻ, các mô hình tạp hóa hiện đại để tận dụng lượng cửa hàng rộng khắp trong cả nước, cũng như kết hợp cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm mà khách hàng có nhu cầu thực.

Quan trọng nhất, nhà bán lẻ phải xây dựng được một hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng. Như tham gia vào các chiến dịch giải cứu nông sản; tăng cường các chiến dịch marketing trên nền tảng số, cắt giảm các hình thức quảng cáo ngoài trời (OOH – Out of Home). Để làm được điều này, các nhà bản lẻ phải ứng biến nhanh chóng với sự chuyển biến tâm lý của người dân và các khách hàng mục tiêu.

Theo nghiên cứu của Mekong Research, vốn dĩ, mối lo ngại và quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là ô nhiễm môi trường, sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc sức khỏe - giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nỗi lo lắng của người tiêu dùng hoàn toàn tập trung vào dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của nó đến hoạt động kinh doanh, kinh tế, thương mại...

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top