"Công ty Sufat Việt Nam đảm bảo về năng lực tài chính..."?

Đó là chia sẻ của ông Trịnh Văn Diễn, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên khi trao đổi với Khoa học và Đời sống - Báo Tri thức và Cuộc sống liên quan tới năng lực của Công ty Sufat Việt Nam khi trúng gói thầu 2.110 tỷ đồng.

‘Chúng tôi chỉ là cơ quan tổng hợp’

Theo vị giám đốc này, trong quá trình mời nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Lavida Green tại xã Nghĩa Hiệp chỉ có duy nhất Công ty Sufat Việt Nam đăng ký thực hiện và qua đánh giá thì công ty này đảm bảo về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm sơ bộ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về năng lực tài chính của Công ty Sufat Việt Nam, ông Trịnh Văn Diễn, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho biết: “Việc đánh giá năng lực tài chính của công ty này, chúng tôi chỉ là cơ quan tổng hợp và gợi ý sang làm việc với Sở Tài chính, Sở Xây dựng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để hiểu rõ hơn”.

Khu đất thực hiện đô thị Lavida Green trước đây được nhà nước cho Công ty Sufat Việt Nam thuê đất để thực hiện dự án với mục đích sản xuất kinh doanh.

Khu đất thực hiện đô thị Lavida Green trước đây được nhà nước cho Công ty Sufat Việt Nam thuê đất để thực hiện dự án với mục đích sản xuất kinh doanh.

“Khu đất thực hiện đô thị Lavida Green trước đây được nhà nước cho Công ty Sufat Việt Nam thuê đất để thực hiện dự án với mục đích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển quy hoạch huyện Mỹ Hào lên thị xã thì công ty có đề xuất chuyển đổi mục đích của khu đất thành đất đô thị để phù hợp với quy hoạch chung của thị xã”, ông Diễn cho biết thêm.

Để có thông tin khách quan ngày 22/2/2023 phóng viên đã gửi lịch làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên và Công ty Sufat Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Thua lỗ triền miên, nợ lớn?

Theo số liệu phóng viên có được, trong giai đoạn 2019-2021 doanh thu tăng trưởng đều từ 569 tỷ đồng lên 856 tỷ đồng. Song, biên lợi nhuận mỏng, chưa đến 1% thậm chí năm 2020 kinh doanh dưới giá vốn. Trong khi chi phí lãi vay lớn và tăng cao từ 19 tỷ năm 2019 lên 24,7 tỷ đồng năm 2021. Điều này khiến Sufat Việt Nam liên tiếp ghi nhận lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2021, công ty có vốn điều lệ 250 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế lên đến 307,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 56 tỷ đồng, cao hơn mức 21 tỷ năm 2020.

Do vậy, toàn bộ tài sản công ty được tài trợ hoàn toàn bằng nợ phải trả, bao gồm 368 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn, còn lại là các khoản phải trả ngắn hạn khác.

Tại thời điểm cuối năm 2021, công ty còn 12,4 tỷ đồng tiền mặt, tài sản tập trung 54% ở khoản phải thu (chỉ yếu phải thu khách hàng), phần lớn còn lại ở hàng tồn kho.

Như vậy, với kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên, dòng tiền yếu, nợ lớn, Sufat Việt Nam khiến nhiều người phải lo ngại về năng lực thực hiện dự án Lavida Green có tổng chi phí sơ bộ hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhà sản xuất xe máy, đạp điện lấn sân làm bất động sản

Dự án Lavida Green có sử dụng đất với diện tích khu đất 45.640,7 m2. Địa điểm thực hiện tại xã Nghĩa Hiệp. Vị trí khu đất có phía Bắc giáp Dự án Khu dịch vụ thương mại tổng hợp và nhà ở Khu công nghiệp Phố Nối; phía Nam giáp Công ty TNHH Phú Minh; phía Đông giáp Công ty Dệt kim Hanosimex; phía Tây giáp Đường tỉnh 380. Theo thông báo, đến thời điểm gọi đầu tư khu đất chưa được giải phóng mặt bằng.

Toàn cảnh khu đất thực hiện đô thị Lavida Green tại Hưng Yên.

Toàn cảnh khu đất thực hiện đô thị Lavida Green tại Hưng Yên.

Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng khu nhà ở liền kề, shophouse, chung cư để bán, cho thuê văn phòng, sàn thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu nơi ở tiện nghi với các căn hộ có chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, hoàn thành đầu tư trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được chấp thuận thực hiện. Tổng chi phí thực hiện sơ bộ 2.110 tỷ đồng.

Vào giữa tháng 9/2022, tỉnh Hưng Yên thông báo tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện dự án Lavida Green và nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ là Công ty TNHH Sufat Việt Nam.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Sufat Việt Nam được thành lập ngày 8/8/1996, có tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Phạm Tú, trụ sở đặt tại khu công nghiệp Phố Nối - Yên Mỹ - Hưng Yên. Công ty được biết đến là doanh nghiệp sản xuất linh kiện và lắp ráp xe gắn máy với thương hiệu Sufat. Đơn vị có nhà máy sản xuất lắp ráp động cơ, xe máy Việt Trung tại khu công nghiệp Phố Nối B Yên Mỹ Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 74,25 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2000. Ban lãnh đạo từng có ý định sản xuất ôtô vận tải nhỏ và xe bán tải nhưng đến năm 2014 từ bỏ. Lý do đưa ra là dù được UBND tỉnh Hưng Yên cấp phép từ tháng 11/2008, song sau gần 6 năm, Sufat Việt Nam vẫn không triển khai được dự án như đã định.

Từ năm 2015, công ty tập trung vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện với thương hiệu Sufat. Xe máy Sufat có chỗ đứng trên thị trường vào những năm 2000 nhưng đến nay gần như vắng bóng, trong khi xe máy điện, xe đạp điện Sufat cũng không thực sự nổi bật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

Theo Mục 3 Điều 39 Luật Báo chí năm 2016 về trả lời trên báo chí quy định:

Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hằng ngày và báo nói, báo hình, báo điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc đăng, phát trên báo chí của mình.

Theo Đời sống
back to top