Công ty Món Huế sẽ bị rút giấy phép kinh doanh?

(khoahocdoisong.vn) - Hơn 30 tỷ đồng mà Công ty Món Huế đang nợ các đối tác và Cơ quan thuế khiến chuỗi nhà hàng này không những bị cơ quan chức năng cưỡng chế tài khoản mà còn có thể bị rút giấy phép kinh doanh.

Đóng cửa, không còn hoạt động

Trước vụ việc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (Công ty Món Huế) đóng cửa hàng loạt nhà hàng, không thanh toán tiền cho những cá nhân, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TPHCM cho biết đã chỉ đạo toàn bộ chi cục thuế trên địa bàn rà soát toàn diện nghĩa vụ thuế của Công ty này. Trước mắt, cơ quan thuế đã phong tỏa tài khoản Công ty Món Huế và cho ngưng phát hành hóa đơn giá trị gia tăng của các nhà hàng Món Huế đang kinh doanh trên địa bàn quận 3, TPHCM (nơi Công ty đặt trụ sở chính).

Còn những nhà hàng ở quận, huyện khác sẽ do chi cục thuế nơi đó theo dõi và thu thuế giá trị gia tăng riêng. Kết quả rà soát sẽ được báo cáo về Cục thuế trong thời gian sớm nhất. Hiện tại kết quả sơ bộ cho thấy, trên địa bàn quận 1, các cửa hàng của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế từng nợ 800 triệu đồng thuế giá trị gia tăng trong quý II/2019. Chi cục Thuế quận 1 đã tiến hành cưỡng chế và thu hồi xong số nợ này. Riêng quý III năm nay, cũng trên địa bàn quận 1, Công ty Món Huế đang nợ thuế GTGT hàng trăm triệu đồng nhưng theo quy định khoản nợ thuế này chưa đến thời điểm cưỡng chế.

Theo Chi cục Thuế quận 3, Công ty Món Huế đang nợ hơn 25 triệu đồng, số nợ thuế này mới phát sinh gần đây, chưa đến thời hạn thực hiện biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã đóng cửa, không còn hoạt động. Các nhà đầu tư của Công ty Món Huế đã làm đơn khởi kiện ông Huy Nhật (Chủ tịch Công ty Huy Việt Nam – ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế) lên Tòa án nhân dân TPHCM và xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài. Thống kê sơ bộ đến ngày 24/10 khoản nợ tại TPHCM của Món Huế với gần 50 nhà cung cấp khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Cũng theo ông Minh, nếu trong thời gian tới Công ty không thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Khó cưỡng chế thuế

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho biết, theo quy định hiện hành, mỗi biện pháp cưỡng chế thuế đều phải được thực hiện theo trình tự. Để thực hiện giải pháp cuối cùng là rút giấy phép đăng ký kinh doanh đồng nghĩa món nợ đó đã chậm trả rất lâu. Thực tế đến lúc đó doanh nghiệp cũng đã bỏ trốn, không tìm thấy người đại diện... nên cũng không còn tác dụng. Vì vậy đến khi luật Quản lý thuế sửa đổi và từ tháng 7/2020 mới có hiệu lực thì có nên cho phép cơ quan thuế được nhảy bước khi cưỡng chế thuế?

Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa cũng cho rằng, khi thu hồi giấy phép đồng nghĩa khai tử doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp không còn tồn tại thì cơ quan thuế cũng khó thi hành cưỡng chế thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không còn tư cách nào để thực hiện các nghĩa vụ với tòa nếu có những chủ nợ khác khởi kiện. Trường hợp doanh nghiệp vẫn còn các tài sản ở nhiều nơi như đầu tư, góp vốn cổ phần ở các công ty khác thì cũng không thể xử lý được để trả nợ... Như vậy vô hình trung, việc thu hồi giấy phép kinh doanh của các công ty không có tác dụng để thu hồi nợ thuế, thậm chí còn làm khó khăn hơn cho hoạt động này.

Thay vào đó nên thực hiện mạnh hơn việc kiểm tra, phát hiện các tài sản của doanh nghiệp đang nằm ở nhiều nơi để kê biên, thanh lý và thu hồi nợ thuế sẽ nhanh hơn.

Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính-Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, nếu bị rút giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc xóa bỏ tư cách pháp nhân của doanh nghiệp. Như vậy, công ty còn tài sản thì sẽ không thực hiện được các thủ tục khác theo quy định của luật Phá sản. Chẳng hạn không thể phát mãi tài sản vì không thể làm thủ tục chuyển nhượng sở hữu cho đơn vị khác. Giải pháp này cũng không có tác dụng nhiều trong việc thu hồi nợ thuế của Nhà nước.

Do đó, các biện pháp cưỡng chế thuế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và cưỡng chế tài khoản ngân hàng là đủ. Nếu không được thì cơ quan thuế nên áp dụng giải pháp khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố doanh nghiệp phá sản và bắt đầu thực hiện thủ tục kê biên tài sản. Sau đó xử lý các tài sản còn lại của doanh nghiệp và nợ thuế của Nhà nước cũng sẽ được ưu tiên trả chỉ sau các khoản nợ có đảm bảo như nợ ngân hàng.

Theo Đời sống
Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu qua đời được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.
back to top