Công thức nào “cứu” doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19?

Giãn cách trong thời gian dài đã bộc lộ những điểm yếu trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Khốn đốn duy trì sản xuất

Hai tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 đã làm đảo chiều nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng, chuỗi cung ứng có dấu hiệu đứt gãy, gây tổn hại uy tín về khu vực sản xuất an toàn của Việt Nam...

Từ đầu dịch Covid-19 đến nay, để duy trì sản xuất, có phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được duyệt mới được phép hoạt động.

Do đó, tại các nơi có dịch bùng phát kéo dài, số doanh nghiệp có thể hoạt động rất thấp. Cụ thể, Tại TPHCM, hiện nay chỉ còn 700 nhà máy/doanh nghiệp trong tổng số hơn 1.500 doanh nghiệp tại các KCN - KCX đang hoạt động. Hà Nội cũng chỉ còn 1.077 doanh nghiệp trong tổng số 3.600 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” hiện nay đều đang gặp khó khăn khi duy trì sản xuất,  với năng suất thấp, chỉ bằng 30 – 40% so với trước dịch. Thiếu lao động, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất và ùn ứ đầu ra khi vận chuyển hàng hóa ách tắc vì lệnh giãn cách xã hội là những nguyên nhân chủ yếu của khó khăn trên.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phải cố duy trì sản xuất để đáp ứng các hợp đồng đã ký kết với đối tác từ trước, đảm bảo uy tín với các đối tác trên trường quốc tế. Đồng thời, việc duy trì sản xuất cũng là phương án giữ chân người lao động, vừa tạo thu nhập vừa giữ được đội ngũ công nhân lành nghề cho các phương án sản xuất sau dịch.

Nhưng đến nay, phần lớn các doanh nghiệp duy trì sản xuất đang đứng trước nguy cơ dừng hẳn bởi bị đình trệ hoạt động kết nối với bên ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu do thành phố siết chặt quy định về các đối tượng được di chuyển. Việc phân “luồng xanh” vẫn xảy ra tình trạng mỗi địa phương một chính sách, xe cung cấp suất ăn công nghiệp, xe đưa rước công nhân không qua được các chốt kiểm soát vì không có thẻ đi đường…

Bên cạnh đó là nguồn vốn eo hẹp để duy trì sản xuất. Theo một khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân từ 12 - 22/8 đối với 21.517 doanh nghiệp cho thấy, phần lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ còn dòng tiền để duy trì hoạt động trong 1 tháng, 46% doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền đến 3 tháng và chỉ 17% số doanh nghiệp có dòng tiền duy trì trên 6 tháng.

Cần lối đi mới cho doanh nghiệp

Dịch bệnh bùng phát tại KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang là bài học kinh nghiệm cho Chính phủ trong công tác dập dịch và duy trì sản xuất. Sản xuất “3 tại chỗ” trong giãn cách xã hội đã thể hiện được hiệu quả trong những vùng dịch này.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài, áp dụng các phương án này vào các khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội, TPHCM hay Bình Dương khiến doanh nghiệp gánh nhiều chi phí để duy trì sản xuất hiệu suất thấp.

Rõ ràng, Chính phủ đã bị động trong ứng phó với dịch khi phải giãn cách trong thời gian dài. Hay nói cách khác, Chính phủ đang thiếu những chiến lược dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất trong khi dịch bệnh hoành hành.

Hệ quả, số liệu từ Tổng Cục thống kê, 8 tháng qua, chỉ có 81.600 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới trong khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lên tới 85.500 doanh nghiệp.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm số doanh nghiệp mới thấp hơn số doanh nghiệp rời thị trường.

Cùng với số lượng lớn doanh nghiệp rời thị trường là những cảnh báo về khó hồi phục chuỗi cung ứng, sản xuất của nền kinh tế.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP cho biết, hiện chỉ 30 – 40% số doanh nghiệp có thể hồi phục sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. 50% số doanh nghiệp của Hiệp hội gỗ và lâm sản cũng đã ngừng sản xuất và chưa hẹn ngày quay lại hoạt động. Các ngành khác như nhựa, da giầy - túi xách lương thực thực phẩm… cũng đều trong tình cảnh tương tự.

Trong khi đó, thị trường thế giới đang hồi phục sau dịch, nhu cầu về nguyên liệu, hàng hóa đang dần tăng cao. Nếu trong thời gian ngắn, doanh nghiệp trong nước không thể phục hồi để đáp ứng các đơn hàng cho bạn hàng quốc tế, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.

Phong tỏa không chỉ bẻ gãy liên kết kinh tế bên ngoài, mà còn gây tổn thương liên kết kinh tế trong nội bộ. Báo cáo từ Tổng Cục thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành chế biến - chế tạo, vốn là động lực tăng trưởng cho khu vực này, giảm tới 9,2% trong tháng này.

Năm ngoái, ở cùng thời điểm này, tổng mức bán lẻ chỉ giảm 5,8%. Năm nay, lại giảm tiếp 6,2% trên nền đã giảm đó, cho thấy sức mua của nền kinh tế đã sụt giảm mạnh và sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu giãn cách tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng tiếp tục gặp khó, hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội còn tiếp diễn. Sẽ thêm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao, gián tiếp gây lạm phát trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, người dân bị thiếu hụt hàng hóa, hoặc phải mua với giá cao, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch…

Áp lực dập dịch và thiếu chiến lược dài hơi đã khiến Chính phủ buộc phải lựa chọn tiêm phòng toàn dân làm phương án chủ chốt đối phó với dịch. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn văcxin.

Kinh nghiệm từ những địa phương đạt hiệu quả chống dịch cao

Trong khi các trung tâm như Hà Nội, TPHCM hay Bình Dương đang phải hi sinh kinh tế để dồn sức chống dịch, thì tại Hải Phòng, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao so với bình quân chung.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP tăng 13,52% so với cùng kỳ năm 2020, gấp 2,4 lần mức tăng trưởng chung của cả nước (5,64%). Cũng ở chỉ tiêu này, Hà Nội tăng 5,91%, TPHCM tăng 5,46%, Đà Nẵng tăng 4,99%, Vĩnh Phúc tăng 14,21%, Bắc Giang tăng 10,2%, Quảng Ninh tăng 8,02%, Bắc Ninh tăng 7,45%, Hải Dương tăng 3,89%. 

Đặc biệt, dù trên địa bàn thành phố có xuất hiện ca F0, nhưng đến nay Hải Phòng vẫn chưa phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 một lần nào.

Theo Đời sống
back to top