Cõng phim lên miền Hướng Hóa

Cõng phim” là động từ chính xác nhất mô tả công việc của Đội chiếu phim lưu động, thuộc Công ty Điện ảnh Băng hình thành Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Trị ở huyện miền núi Hướng Hóa từ nhiều năm nay.

Công ty Điện ảnh Băng hình thành Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Trị có rạp chiếu phim ở trung tâm thành phố và có hai đội chiếu phim lưu động miền núi, mỗi đội 4 người, chuyên phục vụ cán bộ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hưởng lương theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

Địa bàn hoạt động miền núi chủ yếu ở 3 huyện: Hướng Hóa, Đak Rông và Vĩnh Linh, gồm 28 xã, trong đó có những thôn bản thuộc khu vực 3 (không có sóng và không có điện). Riêng huyện Hướng Hóa do địa bàn rộng nên luôn luôn có một đội bám sát thường xuyên để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trung bình mỗi năm, hai đội chiếu phim lưu động phục vụ gần 330 suất chiếu tại các bản làng của các huyện trên, có nghĩa là phải đi suốt 9 tháng trong năm, chỉ có 3 tháng mưa gió, rét mướt mới được ở nhà nghỉ ngơi.

Hành trang cho mỗi chuyến đi của các anh là đồ dùng cá nhân, mì gói và những thứ không thể thiếu như thuốc phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm… Mỗi người một xe máy, chia nhau vận chuyển máy phát điện, tăng âm, loa, đầu đĩa, đầu phóng, cột phông, nhiên liệu, băng rôn, apphich, quần áo, chăn màn và nhiều thứ cần thiết khác…

Đường vào các thôn bản đa số phải trèo đèo, lội suối, những con đường nhỏ quanh co, một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm rất nguy hiểm, sợ đến rợn người, nhưng các thành viên trong đội vẫn cố gắng vượt cả trăm cây số để đem ánh sáng văn hóa điện ảnh, đem niềm vui giá trị tinh thần đến cho đồng bào miền núi.

Và điều hạnh phúc nhất là sau những giờ băng rừng, lội suối, chuẩn bị sân bãi, các anh được bà con thôn bản giúp sức gánh gồng máy móc, hành trang và đón tiếp rất nồng hậu, họ động viên giúp đỡ bằng những sản vật đơn giản có sẵn trong rẫy, trong nương như củ sắn, củ khoai, quả ngô, quả chuối rừng…

Những bộ phim phục vụ ở miền núi rất đa dạng và phong phú, như đề tài chiến tranh cách mạng, chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những tấm gương điển hình về người tốt, việc tốt, làm kinh tế giỏi, phim tuyên truyền về các loại dịch bệnh gồm: Sốt rét, tiêu chảy, bướu cổ, suy dinh dưỡng ở trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, phổ biến công tác kế hoạch hoá gia đình, tuyên truyền tác hại của ma túy, các loại tội phạm, xây dựng nông thôn mới… đáp ứng được sự chờ mong của người xem thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Qua các chủ đề này, đơn vị đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa đến nhiều kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, tránh được những mầm bệnh lây lan trong sinh hoạt cộng đồng đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Những lúc rãnh rỗi, họ cùng trò chuyện với dân bản để truyền đạt về vấn đề bài trừ hủ tục, các thói quen lạc hậu, cắt tóc hoặc kể chuyện cho các cháu.

Những chiến sĩ chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Trị luôn luôn nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích cao nhất trong công tác. Bên cạnh đó họ cũng biết phát huy truyền thống và sự cống hiến hết mình của các thế hệ đi trước, nhất là những người đã làm nên lịch sử, đó là Đội chiếu phim số 1 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985.

Đây là một vinh dự, tự hào cho ngành và cũng là tấm gương để các chiến sĩ sau này quyết tâm xây dựng đơn vị trở thành một tập thể có được thành tích cao hơn, lớn mạnh hơn về mọi phương diện, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Những đoạn đường không sử dụng xe máy được, phải nhờ bà con gồng gánh giúp để đến thôn bản. Ảnh: TT.

Phút nghỉ chân dọc đường (bên dòng Sêpôn) Biên giới Lào– Việt cùng các thanh niên bản làng. Ảnh: TT.

Kể cả những nơi xa nhất và đường đi rất vất vả như ở bản Cát, xã Hướng Sơn. Đội vẫn đến phục vụ bà con thường xuyên (mỗi năm 2 lần). Ảnh: TT.

Thanh niên bản làng xã Hướng Sơn giúp sức gồng gánh máy móc, thiết bị qua suối. Ảnh: TT.

Những lúc vào mùa mưa lũ ở Cù Bai, Hướng Lập, lúc chuyển địa bàn qua suối cũng phải nhờ thanh niên thôn bản giúp sức mới yên tâm. Ảnh: TT.

Ngoài việc chiếu phim truyện phục vụ bà con, Đội còn tuyên truyền lồng ghép các tệ nạn xã hội như phòng chống ma túy, tội phạm, các loại dịch bệnh v.v… cho bà con nắm rõ. Ảnh: TT.

Đội còn tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, nhiều cuộc bầu cử quan trọng các cấp từ trung ương đến địa phương rất chu đáo. Ảnh: TT.

Bà con đến xem và hưởng ứng rất tích cực. Ảnh: TT.

Ngoài các công việc trên, đội còn phối hợp với địa phương tuyên truyền công tác Dân số – KHHGĐ và các loại dịch bệnh khác để phòng ngừa một cách tích cực (đang làm việc ở bản Cù Bai, xã Hướng Lập). Ảnh: TT.

Và cùng giúp việc gia đình với bà con nơi mình đang công tác ở địa bàn miền núi. Ảnh: TT.

Hồ Thanh Thoan (Theo Lao động)

Theo Đời sống
back to top