Công nghệ dự báo sớm thiên tai

(khoahocdoisong.vn) - Hiện ở Việt Nam, hệ thống thiết bị, công nghệ phục vụ dự báo sớm thiên tai khá hiện đại, sánh ngang với các quốc gia khác trên thế giới.

Hỗ trợ cảnh báo trong khu vực

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, để cảnh báo sớm thiên tai, ngoài hệ thống quan trắc ở các đài khí tượng thủy văn khắp cả nước thì hiện nay đang có 2 trung tâm tự nguyện cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm cho các nước Đông Nam Á. Sắp tới có thêm trung tâm cảnh báo lũ quét và sạt lở đất xung quanh bán đảo Đông Dương. Dự án này hỗ trợ cho việc đưa ra cảnh báo sớm những hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong quốc gia, khu vực.

Trong lĩnh vực phòng chống thiên tai thì quan trọng nhất là cảnh báo sớm. Sau đó mới là đưa tin sớm, kết hợp với cảnh báo đa thiên tai. Ví dụ như bão đổ bộ thì nước dâng, mưa lớn, lũ quét, sạt lở… thì phải kết nối các số liệu lĩnh vực để đưa ra cảnh báo các loại thiên tai đi kèm một cách sớm nhất. Tuy nhiên, để phòng tránh thiên tai thì yếu tố quan trọng nhất là nhận thức của cộng đồng về nguy cơ, rủi ro của thiên tai, sau đó mới là quan trắc, truyền tin. Các bản tin dự báo vốn đã không chính xác 100% mà lại không được truyền tin sớm nhất thì sẽ không có giá trị.

Tổ chức khí tượng thế giới luôn khuyến khích hỗ trợ các nước trong khu vực trong việc cảnh báo thiên tai, chia sẻ dữ liệu với nhau. Ví dụ các rada thời tiết ở Việt Nam chia sẻ thông tin về bão, mưa với Lào, Thái Lan, Campuchia. Trung tâm thứ 2 hỗ trợ khu vực cho các nước lưu vực sông Mê Kong để đưa ra cảnh báo sớm về lũ quét, sạt lở đất. Trung tâm này sẽ hoạt động trong năm 2020. Người dân cũng có thể truy cập vào các trang web này để biết.

Cũng theo ông Lê Thanh Hải, hệ thống quan trắc ở Việt Nam tương đối đầy đủ, công nghệ nào trên thế giới có thì Việt Nam đều có, có thể cảnh báo, dự báo kịp thời để xây dựng những bản tin hạn ngắn, dài hoặc bản tin cực ngắn. Tới đây sẽ có những bản tin đa thiên tai để phục vụ cộng đồng. Bất cập trong việc cảnh báo sớm hiện nay là mức độ chi tiết, định lượng hóa, cụ thể. Ví dụ cảnh báo lũ quét sạt lở đất tương đối rộng, chưa chỉ ra được thôn, bản nào. Rồi chính người dân sống trong vùng thiên tai cũng chưa tiếp cận được với thông tin cảnh báo.

Bản tin dự báo đang sớm dần

Theo ông Lê Thanh Hải, giải pháp khắc phục là thể chế, luật pháp, như luật phòng chống thiên tai sẽ bổ sung, sửa đổi. Về công nghệ dự báo đang thiết lập một hệ thống quan trắc đủ dày để theo dõi, phát hiện, dự báo. Ví dụ phát hiện sét ở đâu qua các trạm cảnh báo sét, các rada thời tiết hoạt động liên tục, dày đặc để cảnh báo sớm. 

Từ năm 2018, hạ tầng dự báo đã được bổ sung đầu tư như tăng mật độ các hệ thống cảnh báo sét, hệ thống rada thời tiết ở Pha Đin, Pleiku, Nha Trang, Quy Nhơn… cũng được xây dựng. Trong tương lai nếu có một trận giông kỷ lục như năm 2016 ở Hà Nội thì chắc là chúng ta sẽ cảnh báo được sớm hơn để phòng tránh, không gây ra thiệt hại lớn như lúc đó. Tất nhiên không sớm hơn được vài ngày mà chỉ sớm hơn vài tiếng đồng hồ. Đó là điểm mới trong công nghệ ngày hôm nay so với công tác cảnh báo trước đây.

Các bản tin dự báo thời tiết hiện nay có mức độ chi tiết tốt hơn, tính định lượng cụ thể hơn. Ví dụ như định lượng mưa cập nhật từng giờ trên các bản tin công bố. Cảnh báo bão cũng được nâng cấp báo sớm từ 3 ngày lên 5 ngày, áp thấp nhiệt đới cảnh báo sớm từ 1 ngày lên 3 ngày với độ tin cậy và chính xác tăng dần lên. Dự báo sớm thường tính chính xác không cao, do đó phải thường xuyên cập nhật. Người tiếp cận bản tin không nên nghĩ rằng đã dự báo là phải chính xác 100%.

Tô Hội

Theo ông Lê Thanh Hải, người dân sống ở vùng nào cần biết thiên tai ở vùng của mình và học cách ứng xử với thiên tai của vùng đó. Bản tin thiên tai hiện nay ngay lập tức có thể gửi tin nhắn đến cho người dân trong khu vực nên việc cảnh báo sẽ rất kịp thời.

Theo Đời sống
back to top