Còn nhiều khó khăn trong chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xuất xứ được tăng cường thời gian qua, tuy nhiên, nguy cơ này vẫn đang có xu hướng gia tăng do nguồn lực cho công tác này còn hạn chế; một số thị trường không ngừng đẩy mạnh bảo hộ và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đẩy mạnh đấu tranh

Theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương, hiện song song với xu hướng tự do hóa thương mại vẫn có sự tồn tại và phát triển của xu thế áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển và tham gia tích cực vào các khuôn khổ tự do hóa thương mại đa phương và khu vực. Trong số các biện pháp hạn chế thương mại được các quốc gia áp dụng, các biện pháp PVTM và chống lẩn tránh biện pháp này đang được sử dụng ngày càng phổ biến do đây là những biện pháp được chính các khuôn khổ tự do hóa thương mại đa phương và khu vực thừa nhận là các công cụ chính sách phù hợp để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu. Sự va chạm với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Vì vậy, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với tính chất phức tạp gia tăng; một số ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.

Trước khả năng vấn đề gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM có những diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”. Bộ Công Thương cũng đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Quyết định 824 và Nghị quyết 119 đã đề ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ để Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện nhằm đấu tranh chống lại các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM.

Trên cơ sở đó, đại diện Cục PVTM - cho hay, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên theo dõi và cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM để thông báo cho các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương còn tăng cường chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở nước nhập khẩu để trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống gian lận xuất xứ nhằm nâng cao nhận thức và sự tự giác tuân thủ của các doanh nghiệp. Nghiên cứu một số phương án, cơ chế khai báo xuất khẩu tự nguyện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả

Với sự quyết liệt trong triển các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM một cách có hệ thống và đồng bộ, theo đánh giá của Cục PVTM, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính đã được bảo vệ. Đặc biệt, qua việc theo dõi, phát hiện sớm những mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ gian lận xuất xứ, các cơ quan chức năng đã phát hiện được một số hành vi vi phạm và thực hiện xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, ông Chu Thắng Trung - chỉ rõ, trong các vụ việc nước ngoài điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, Bộ Công Thương, Cục PVTM đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp sản xuất chân chính để trao đổi, phối hợp với các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả là trong các vụ việc này, quyền lợi và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được đảm bảo. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở nước nhập khẩu để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Hoạt động phối hợp của Việt Nam đã được các cơ quan đối tác đánh giá cao.

Không chỉ vậy, trước tình hình xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng PVTM của một số nước, Cục PVTM cũng đã thường xuyên lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo ông Chu Thắng Trung, quá trình triển khai công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM còn rất nhiều khó khăn nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, cũng như các biện pháp PVTM sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ phức tạp. Mặt khác, PVTM vẫn còn là một vấn đề mới, đa số doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự hiểu biết sâu; nguồn lực của doanh nghiệp và Nhà nước còn hạn chế nên chưa thể phân bổ một cách phù hợp cho công tác PVTM. Đặc biệt, hiện cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra, một số thị trường gia tăng xu thế bảo hộ và áp dụng các biện pháp PVTM không phù hợp đặt ra ngày càng nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thách thức đặt ra hiện nay luôn được Cục PVTM nêu rõ, đó là nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Vì vậy, theo ông Chu Thắng Trung, cần sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu tranh lẩn tránh biện pháp PVTM. Trước hết, phải phân bổ nguồn lực một cách phù hợp cho công tác PVTM cả ở cấp độ doanh nghiệp cũng như ở các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là đẩy nhanh việc củng cố và hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật về PVTM, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong công tác này; tăng cường nâng cao năng lực PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước qua đó có thể tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Theo congthuong.vn
back to top