Con gái Hàng Bạc “cái giá cắn làm đôi”

(khoahocdoisong.vn) - Con gái Hàng Bạc “cái giá cắn làm đôi”, chỉ một câu nói đó đã đủ nói lên cái nền nếp, ý tứ của người con gái Hà Nội xưa được rèn giũa, cẩn thận như thế nào.

Học từ nết ăn, nết ở

Tôi gặp bà Nguyễn Lệ Thanh tình cờ trong một chuyến đi công tác. Mặc dù tuổi đã ngoài 70, nhưng phong thái trẻ trung, nhanh nhẹn. Đặc biệt, bà khiến tôi chú ý ở cốt cách, thần thái sang trọng, cách cư xử chỉn chu, tinh tế, từ tiếng “dạ”, “vâng” mỗi khi nói chuyện với mọi người.

Bà Lệ Thanh mang nét đẹp của phụ nữ Hà Nội xưa.

Bà Lệ Thanh mang nét đẹp của phụ nữ Hà Nội xưa.

Sau mới biết, bà là “cô gái” của Hàng Bạc xưa, và được rèn giũa cẩn thận từ nết ăn, nết ở, nghiêm khắc, cẩn trọng nổi tiếng một thời.

Tuy bố mẹ bà chỉ là người buôn bán nhỏ, nhưng bà cùng tất cả các anh chị em trong gia đình  được bố mẹ rèn giũa, cho tới tận bây giờ bà vẫn nhớ, nhiều cái vẫn theo và bà lại dạy lại cho con, cháu mình.

“Trước hết về nết ăn. Bát ăn cơm không xới đầy mà chỉ xới trên già lưng bát. Đũa cầm thì tối đa 1/3 ở dưới. Khi gắp thì phải ngửa tay chứ không được úp xuống.

Ngồi ăn phải ngẩng mặt lên. Gắp thì phải gắp rau trước, không được gắp thịt. Rau muống gắp từng một ngọn một, chứ không được gắp cả nút. Và phải gắp đưa vào bát sau đó mới đưa vào miệng.

Nếu muốn ăn canh, bao giờ cũng phải ăn gần hết bát cơm mới được chan. Mà chan thì chan ít một, úp cái muôi xuống rồi quay ra bên ngoài. Khi và cơm, cũng chỉ được và tối đa 3 miếng và không phát ra tiếng kêu.

Khi tôi đã lấy chồng, có hai con rồi về thăm mẹ. Một bữa, bà dắt tôi đi ăn phở. Trong quán, cũng có một bà cùng thế hệ với mẹ, ở gần nhà tôi ngồi ăn. Mẹ quay sang ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Con xem, bà ấy ăn phở, uống nước mà không hề phát ra tiếng động.

Những "nếp nhà" được bà Thanh truyền lại cho con, cháu.

Những "nếp nhà" được bà Thanh truyền lại cho con, cháu.

Lúc nào mẹ tôi cũng nhắc nhở về câu nói mà mọi người vẫn truyền tai nhau về con gái Hàng Bạc. Đó là: Con gái Hàng Bạc, cái giá cắn làm đôi”, bà Thanh kể.

Đến một cọng giá đỗ mà còn cắn làm đôi thì đủ biết cách ăn uống được rèn giũa nghiêm cẩn như thế nào.

Ăn cơm cũng không được rơi vãi. Vì theo các cụ đó chính là “ngọc thực”. Thậm chí, bữa ăn còn có cái roi mây để cạnh, nếu ăn mà bị rơi vãi cơm nhiều, là bị đánh đòn.

Về uống, khi uống nước cũng không được phát ra tiếng động. Và cũng phải uống từng ngụm nhỏ, chứ không được tu ừng ực.

Sau khi bố mẹ ăn cơm xong, con sẽ rót, bưng mời nước bố mẹ, đưa bằng hai tay. Đây cũng là thời điểm bố mẹ sẽ mang báo ra đọc các tin tức thời sự. Nếu có chơi đùa, thì không được cười đùa gần nơi đó. Cũng không được dòm vào báo bố mẹ đang đọc hoặc làm phiền bố mẹ. 

Mỗi khi nhà có khách, bố mẹ đang nói chuyện, các con không được nói chen vào. Con gái thì phải đi xuống bếp, ý tứ.

“Nếu phạm lỗi sẽ bị đánh roi mây và quỳ gai mít. Tôi nhớ, có lần tôi bị phạt quỳ gai mít, anh trai thương em quá, chắp tay vào: Con lạy cậu, cậu tha cho em. Mỗi khi nhớ tới hình ảnh anh khi đó là tôi lại xúc động, chảy nước mắt. Tình cảm anh em gắn bó, thương yêu nhau từ tấm bé cho tới tận bây giờ”.

Nếp nhà quan trọng trong mọi thời đại

Bà Nguyễn Lệ Thanh chia sẻ, bà có một người chị gái là chị Nguyễn Mộng Lân. Khi chị lấy chồng, được làm dâu trong một gia đình Hà Nội gốc, nổi tiếng nề nếp, thanh lịch, nên nếp nhà vẫn được gìn giữ và tiếp nối.

Tôi được bà Thanh giới thiệu, và may mắn gặp được bà Nguyễn Mộng Lân, con dâu của giáo sư, nhà giáo nhân dân, họa sĩ Lương Xuân Nhị nổi tiếng.

Ấn tượng của tôi về bà Lân, cũng giống như bà Thanh là ở nét quý phái, và tiếng “vâng” nhỏ nhẹ với người đối thoại.

Bà Nguyễn Mộng Lân.

Bà Nguyễn Mộng Lân.

Bà Lân chia sẻ, cả gia đình nhà chồng đều làm nghệ thuật. Bố chồng bà là giáo sư, nhà giáo nhân dân, họa sĩ Lương xuân Nhị. Các con cháu trong nhà cứ nhìn cách sống của bố mẹ, ông bà trong nhà mà theo, chứ bố mẹ chồng bà cũng không khắt khe, ép buộc phải thế này, thế kia.

“Bố chồng tôi, có lẽ phải dùng đúng từ cổ là “lịch duyệt”. Cụ thực sự là một người tuyệt vời mẫu mực. Còn cụ bà đúng theo mẫu thờ chồng, nuôi con của phụ nữ Hà Nội xưa.

Bố mẹ chồng tôi không bao giờ cãi cọ, nói to với nhau và với con cái. Riêng cụ bà có một điều đặc biệt, đó là khi cụ nói chuyện dù với con dâu, con rể, trai gái không bao giờ “ừ” mà luôn “vâng”

Còn nói với chồng, bao giờ cũng có chữ “ạ” đằng sau, ví dụ mời chồng xuống ăn cơm thì sẽ nói: “mời ông xuống xơi cơm ạ”.

Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị về phụ nữ Hà Nội.

Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị về phụ nữ Hà Nội.

Bà Lân chia sẻ, chính bà cũng học cách cư xử này từ mẹ chồng. Các cô ít tuổi hơn cứ thắc mắc: Sao chúng em ít tuổi hơn chị mà cũng vẫn “vâng?”

Con trai bà trong cách xưng hô với các em con nhà cô, nhà chú, ở vai kém hơn, cũng luôn có chữ “em” ở đằng trước, ví dụ “em Ánh, em Hoài…” chứ không gọi riêng tên các em, và xưng tên. Khi các em lập gia đình rồi, thì thêm chữ “cô, chú” đằng trước.

Nét duyên dáng của phụ nữ Hà Nội xưa thể hiện qua tác phẩm "Chợ hoa đào" 1985, lụa, Sưu tập của UBND TP Hà Nội.

Nét duyên dáng của phụ nữ Hà Nội xưa thể hiện qua tác phẩm "Chợ hoa đào" 1985, lụa, Sưu tập của UBND TP Hà Nội.

“Người Hà Nội xưa quan niệm, nếp sống, nếp người xuất phát từ bản thân mỗi người, đã có sẵn. Sau đó, trong cuộc sống hằng ngày, thời gian lại càng xây dựng nên cái đẹp hơn”, bà Lân nói.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, sẽ rất khó để theo được những nền nếp ấy. Tuy nhiên, cả bà Thanh và bà Lân đều cho rằng, cái nền nếp gia đình luôn quan trọng và có ý nghĩa trong mọi thời đại, chỉ là cách thể hiện khác đi.

“Ví dụ, học từ bố mẹ, mà trong gia đình chúng tôi, con cái không bao giờ có chuyện cãi cọ, mắng chửi nhau. Và trong lời ăn tiếng nói, cũng luôn có sự giữ gìn, tôn trọng người đối diện…”, bà Lân nói.

Còn bà Thanh cho biết, chính từ truyền thống gia đình, việc được giáo dục từ thời thơ ấu của mình mà sau này bà cũng truyền dạy lại cho con cháu lối sống hòa thuận, nhân ái.

“Khi tôi ngồi ăn cơm ở với các anh chị em đồng nghiệp, bao giờ  tôi cũng ngồi đầu nồi, đưa hai tay với người lớn tuổi. Hành động như vậy đã ở trong bộ nhớ của mình rồi. Cho tới giờ tôi 70 tuổi, thế hệ sau, nhưng trong cuộc họp muốn nói gì tôi đều giơ tay xin phép, không bao giờ tôi nói leo vào”, bà Nguyễn Lệ Thanh.

Theo Đời sống
back to top