Cơm lâu thiu nhờ giấm, muối

Dù trời nóng hay lạnh, cơm sau khi nấu không được bảo quản là rất dễ ôi thiu. Kinh nghiệm được một số người nội trợ chia sẻ là sử dụng giấm ăn khi nấu cơm sẽ giúp cơm lâu thiu. Theo các chuyên gia, đây cũng là một giải pháp tốt để giúp cơm lâu thiu, song không nên lạm dụng.

Giấm, muối giúp cơm lâu thiu, an toàn cho sức khỏe

Cơm để cả ngày không thiu

Do bận công việc nên chị Nguyễn Thu Nga (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) nấu cơm buổi sáng để ăn cả buổi trưa. Cơm nấu sẵn để đó, các con chị chỉ việc ăn rồi đi học, chị có thể thoải mái thời gian cho công việc ở công sở. Có lần vào mùa hè, cơm chị nấu xong chỉ khoảng 3-4 tiếng là đã có mùi ôi thiu. Mấy lần trẻ con nhà chị phải nhịn đói hoặc ăn bánh mỳ đi học vì cơm nấu buổi sáng đã bị thiu.

Qua tìm hiểu từ một người bạn, chị sử dụng phương pháp cho một lượng nhỏ giấm ăn vào nồi cơm trước khi nấu. Áp dụng phương pháp này, cơm chị nấu để cả ngày cũng không bị ôi thiu, cho dù thời tiết có nắng nóng. Tỉ lệ chị áp dụng là 2ml giấm cho 1,5kg gạo. Cơm khi nấu xong sẽ trắng muốt và rất lâu thiu.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa cho biết, cho giấm ăn vào nồi cơm sẽ làm tăng khả năng chống nhiễm khuẩn của cơm. Lưu ý là phải chọn loại giấm ăn an toàn, tránh tình trạng mua phải loại giấm ăn làm từ hóa chất công nghiệp thì sẽ có tác dụng xấu cho sức khỏe.

Đây là một trong những giải pháp đơn giản để giúp cơm lâu thiu. Nhưng tốt hơn hết thì vẫn là xây dựng thói quen định lượng cả gạo và nước khi nấu cơm, thay vì ước lượng như số đông chúng ta vẫn làm. Hầu hết các loại gạo đều có công thức 1 gạo 1 nước.

Cứ áp dụng đúng như thế thì cơm sẽ ngon. Người nội trợ phải định lượng được mỗi bữa gia đình mình tiêu thụ hết bao nhiêu để nấu chính xác, không nên để cơm thừa quá nhiều.

Ngoài các yếu tố tác động bên ngoài khiến vi sinh vật phát triển thì loại gạo cũng quyết định thời gian cơm lâu thiu hay nhanh thiu. Gạo nguyên cám, xay xát sơ qua thì nhanh thiu hơn là loại gạo xay xát kỹ. Có một số giống lúa cũng có đặc tính lâu thiu hơn những giống lúa khác.

Muối có tác dụng như giấm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, để cơm nấu được ngon và lâu thiu thì cần có một số nguyên tắc như rửa sạch nồi và nắp trước khi nấu cơm, chú ý rửa sạch cả những bợn cơm dưới đáy và nắp nồi. Cho thêm nhúm muối khi vo gạo.

Nếu gạo bị mốc nên vo kỹ, tráng qua nhiều lần nước cho sạch. Ngoài ra cũng có thể nấu cơm với một chút muối, tương tự như nấu xôi. Việc này không những giúp cơm thêm đậm đà mà còn bảo quản cơm lâu thiu hơn. Điều đáng nói là hiện nay nhiều người có thói quen nấu nhiều cơm để trong tủ lạnh, khi ăn thì đem hấp lại.

Không nên nấu cơm sẵn tích trữ trong tủ lạnh rồi ăn dần bởi cơm nấu xong để lâu sẽ bị biến chất, thành phần dinh dưỡng không đảm bảo. Cơm thừa có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh bằng hộp kín, nhưng không để lâu quá 24 tiếng.

Để có nồi cơm ngon thì nên nấu bằng nước đã đun sôi. Điều này vừa giúp cơm ngon hơn, giữ được lượng vitamin B có trong gạo lại vừa giúp bảo quản cơm được lâu hơn.

Nguyên tắc này gần như ai cũng biết nhưng ít người áp dụng do thói quen cho luôn nước lạnh cho tiện. Ngoài ra cũng có một mẹo nhỏ là muốn cơm có vị thơm, tơi và nhừ mà không bị cháy ở dưới đáy nồi khi nấu cơm bạn hãy nhỏ vài giọt dầu hoặc mỡ động vật.

Một bí quyết nữa để nấu cơm lâu thiu được PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chia sẻ là cơm sau khi ăn mà còn thừa, hãy cắm điện và bật nút nấu khoảng 2 phút đổ lại.

Lý do là trong quá trình ăn, vi khuẩn có thể từ đũa, thìa, thức ăn xâm nhập vào nồi cơm và sinh sôi. Nhưng khi cắm điện vào nồi cơm, ở nhiệt độ khoảng 80 độ C này, vi khuẩn sẽ chết hết, cơm sẽ rất khó bị ôi thiu, lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

“Để có nồi cơm ngon thì nên có thói quen xóc gạo. Trước khi nấu 2h, cho gạo ra rá vo sạch, để chỗ ráo nước. Khi nấu cơm thì đun nước sôi mới đổ gạo vào. Làm như vậy thì cơm rất dẻo, thơm và rất lâu thiu”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top