Có tiến sĩ chục năm chẳng có nghiên cứu nào

Theo GS.TS Trần Chí Dõi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, n

GS.TS Trần Chí Dõi.

Vẫn chỉ là cái “vỏ hình thức”

Bộ GD&ĐT mới chính thức ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong đó, có quy định nghiên cứu tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus. Đây là một trong những nội dung gây tranh cãi. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi nghĩ rằng để có thể được đăng trên tạp chí có chỉ số ISI – Scopus, đối với những ngành thuộc khoa học Tự nhiên hay Kỹ thuật thì có thể là chuyện bình thường; nhưng đối với một số ngành KHXH&NV thì đây là một vấn đề, không đơn thuần chỉ là giá trị cao của bài viết mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố kỹ thuật liên quan đến định hướng của tạp chí.

Đặc biệt, việc thay cho bài có số ISI – Scopus bằng “tối thiểu 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện” thì nội hàm của quy định thay thế này chắc chắn sẽ được cơ sở đào tạo diễn giải theo những cách khác nhau. Cho nên khi quy định mà hoặc không thực hiện được, hoặc thực hiện theo cách diễn giải khác nhau rồi thế nào cũng đúng thì quy định ấy vẫn chưa thoát khỏi cái “vỏ hình thức”.

Có ý kiến lại cho rằng, đây là một điểm tiến bộ, để chất lượng tiến sĩ của Việt Nam có thể theo được chuẩn của thế giới. Và bên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) phản đối là vì sự bảo thủ, trì trệ, thậm chí là vì “lợi ích cá nhân”.

Trong khoa học có lẽ nhiều người không từ chối sự thống nhất như sau: về Khoa học tự nhiên (KHTN) có mặt bằng chung rõ ràng cho mọi quốc gia; nhưng KHXH&NV vừa có mặt bằng chung, lại có những đặc thù riêng của mỗi quốc gia. Tôi không nghĩ rằng những bài viết của KHXH&NV được sử dụng trên tạp chí của Việt Nam hiện nay không có chất lượng khoa học theo mặt bằng chung của thế giới. Chứng cớ là có những bài viết trên tạp chí Việt Nam đã được tạp chí nước ngoài “dịch” lại.

Còn có ý kiến cho rằng “ngành KHXH&NV phản đối là vì sự bảo thủ, trì trệ, thậm chí là vì ‘lợi ích cá nhân’”thì thật phiến diện. Những người nói như thế là cực đoan, là do góc nhìn của họ. Ngành KHXH&NV không phản đối quy định tiến bộ mà chỉ ra cái quy định “một chiều” sẽ dẫn đến khả năng không tưởng mà thôi.

Tôi tưởng những giá trị nhân văn thì nó sẽ mang tính nhân loại, và phải có một hệ giá trị chuẩn mực chung chứ?

Tất nhiên có những bài của mình chưa đạt chuẩn của quốc tế. Nhưng có những bài chất lượng quốc tế vẫn không được đăng. Như tôi có những bài báo họ yêu cầu tôi phải sửa, thay đổi nội dung họ mới đăng. Nhưng có bài tôi sửa được, có bài không. Có những bài tôi viết đăng trên trang web, hàng chục nghìn người xem vì nó có lợi cho cộng đồng dân cư, giải thích những vấn đề mà chính người Việt thấy cần thiết. Nhưng không phải là vấn đề hứng thú đối với người nước ngoài thì họ thấy không cần chia sẻ, không đăng. Cho nên hiểu chỉ những bài đăng trên ISI thì mới có giá trị khoa học là sai hoàn toàn.

Chất lượng kém là đương nhiên

Vậy nếu không dựa vào ISI thì có tiêu chí nào để chọn lọc được “đầu ra” tiến sĩ chất lượng?

Tất cả chỉ cần ở sự đánh giá của hội đồng khoa học. Cần phải kiểm định hội đồng có làm nghiêm túc, có đúng quy chế không. Thực tế từ trước đến nay những quy định không phải không phải không có ý thức nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng các cơ sở đào tạo không thực hiện.Theo quy chế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kiểm tra, nhưng Bộ không kiểm tra thì đó là sự vô trách nhiệm, chất lượng kém là đương nhiên.

Nếu kiểm tra, theo ông vấn đề cần kiểm tra là gì?

Rất nhiều vấn đề cần kiểm tra. Nhưng để kiểm tra có chất lượng nghiên cứu tiến sĩ thì quy định phải chặt chẽ. Mà ở Thông tư mới ban hành, còn có những quy định chưa chặt chẽ. Ví dụ, tiêu biểu nhất là về người phản biện. Trước đây, có cơ sở chọn người phản biện nhưng suốt thời gian dài không viết một bài nào về đề tài hay về lĩnh vực đó (tức là có bằng cấp GS, PGS về lĩnh vực A, nhưng lại đi phản biện về lĩnh vực B) mà “vẫn phản biện” được.

Đơn vị nào chịu trách nhiệm chỉ định hội đồng phản biện, thưa ông?

Hội đồng đánh giá chất lượng lẽ ra phải do người đứng đầu ngành đào tạo chọn, thì họ mới hiểu được người cần được chọn là ai. Nhưng hiện tại ở ta lại do hành chính, do ông trưởng khoa, rồi trợ lý của hiệu trưởng chọn. Theo quy chế thì chọn ra 15 người, rồi từ đó lại chọn ra 7 người. Về hình thức thì có vẻ khoa học. Nhưng thực chất lại là cách làm phản khoa học nhất.

Có cách nào để bản thân các nghiên cứu sinh cũng biết được “chất lượng”của đội ngũ tham gia hội đồng phản biện mình không?

Theo tôi thông tin khoa học của người phản biện phải được công khai, cần cập nhật các công bố khoa học trong 5 năm gần nhất. Nhưng quan trọng là lòng tự trọng, ví dụ tôi được phân công phản biện về đề tài đó nhưng tôi không thuộc lĩnh vực đó thì cần từ chối.

Thông tư mới quy định “2. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng: c. Có công trình nghiên cứu, có uy tín và kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh, trong đó người phản biện phải có tối thiểu 01 bài báo hoặc báo cáo khoa học đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện. Những chỗ quy định phải “có” trong Thông tư này nếu “có” cách đây hơn “mười năm” cũng được; còn quy định “01 bài báo hoặc báo cáo khoa học đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện” cái chính làm sao để  cơ quan quản lý đào tạo xác minh được là “có phản biện”.

Cần có chức danh “Nguyên giáo sư, tiến sĩ”

Để xảy ra tất cả thực trạng ông vừa nêu, nguyên nhân là do đâu?

Tất cả những yếu kém về mặt chất lượng không hoàn toàn do đội ngũ đào tạo, nghiên cứu sinh mà, theo cá nhân tôi, có phần không nhỏ là do quản lý đào tạo. Có những người tham gia quản lý đào tạo, hoặc không thông thạo quy chế, hoặc làm những việc không đảm bảo chất lượng với những lý do “có trời mà biết”.

Nhiều người chỉ có chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng khoảng mười năm đi làm đủ công việc trên trời dưới bể, chẳng có công bố khoa học nào thuộc về lĩnh vực đó mà vẫn được “mời” tham gia hội đồng; lại có những người có thể liên tục “phản biện” nhiều luận án thuộc những đề tài tiến sỹ khác nhau. Có tình trạng đó là “thiếu sót” của cơ sở quản lý. Đã là cơ quan quản lý, nhưng khi có ai đó nêu ra vấn đề như vậy thì “mời đưa ra ví dụ”. Tại sao không có cách để kiểm tra thử xem.

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng tiến sĩ của nước ta không cao. Thậm chí có tình trạng “phổ cập tiến sĩ”, học tiến sĩ để làm quan, ông thấy sao?

Đó là cách nói tiêu cực, phiến diện, ở đâu cũng có người tốt và không tốt. Nhưng phải thừa nhận, thực tế có những giáo sư, tiến sĩ hàng chục năm chẳng có bài nghiên cứu nào cả, hoặc 20 năm sau không làm trong lĩnh vực đó nữa, thì nếu có lòng tự trọng, nên đề là “nguyên giáo sư, tiến sĩ”. Hoặc người nào về hưu mà sau 5 năm không có công bố khoa học thì nên đề là “GS.TS về hưu”.

Có một người bạn là nghiên cứu sinh kể với tôi rằng, để vượt qua vòng thi ngoại ngữ, thì họ được cơ sở đào tạo huấn luyện cách nghe ám hiệu từ chính những người của trung tâm ngoại ngữ cài vào phòng thi. Ví dụ ho một tiếng thì đáp án nào, ho hai tiếng thì đáp án nào… Theo ông, ngoại ngữ có phải là một rào cản khiến chất lượng tiến sĩ của ta không thể hội nhập được với thế giới? Và cũng là rào cản trong việc có bài đăng ISI?

Tôi cũng thấy ngoại ngữ là một rào cản khiến chất lượng tiến sĩ của ta không thể hội nhập quốc tế được. Ở ta quá nhấn mạnh hay coi trọng về “chứng chỉ”. Vấn đề không phải là chứng chỉ “thi được” mà phải là “sử dụng được”. Tôi có làm “cố vấn” cho một NCS người Việt đang học tại Pháp. Người ấy cho tôi biết nguyên văn như sau “Bên này ngành khoa học thực nghiệm thì bắt buộc phải đăng bài. Còn ngành xã hội như em thì không bắt buộc và tùy từng trường Tiến sĩ. Như trường em là buộc phải theo 150h séminaire, formation, conférence”.

Với 150 giờ bắt buộc ấy, khi tham gia hội thảo (conférence), NCS phải dùng ngoại ngữ. Ở ta hội thảo nhiều, nhưng hội thảo hay tọa đàm (séminaire) mà bắt buộc NCS phải tham gia và dùng ngoại ngữ thì chưa có. Nếu quy định ngoại ngữ như người ta thì sẽ “khó” cho NCS.  Đây cũng là một hạn chế khi ta hội nhập quốc tế hoặc muốn đăng bài có chỉ số ISI. Vì hầu hết tạp chí của họ là họ sử dụng tiếng Anh hay ngôn ngữ của những quốc gia có nền khoa học phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top