“Cô nhi viện” của người mẹ Pa Cô

Hơn 30 năm nay, chị luôn dang rộng vòng tay làm công việc ấy, dẫu cho những vất vả nhọc nhằn ngày càng nhân lên theo con số trẻ mồ côi mà chị mang về. Chị là Căn Linh, một người phụ nữ Pa Cô, ở bản Tăng Cô, xã A Túc, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị.

•  Bí ẩn người Đàng Hạ

• Truyền kỳ 3 lèn bí ẩn nhất Nghệ An

Chị bảo với tôi, chị không có ý định xây dựng nên một cô nhi viện, bởi ý nghĩ đó thôi cũng đã quá xa xỉ đối với hoàn cảnh gia đình chị; trong mơ, chị cũng chưa từng gặp được! Việc chị ẵm bồng những đứa trẻ mồ côi về nhà mình nuôi dưỡng, đơn giản chỉ vì thấy chúng mà thương!

Hơn 30 năm nay, chị luôn dang rộng vòng tay làm công việc ấy, dẫu cho những vất vả nhọc nhằn ngày càng nhân lên theo con số trẻ mồ côi mà chị mang về. Chị là Căn Linh, một người phụ nữ Pa Cô, ở bản Tăng Cô, xã A Túc, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị.

“Cô nhi viện” của người mẹ Pa Cô ảnh 1

Các thành viên trong gia đình chị Căn Linh trước căn nhà sàn nhỏ bằng lều vịt.

Từ TP Đông Hà, ngược con đường số 9 gần 80 cây số thì gặp ngã ba Tân Long, xã Tân Long, huyện rẻo cao Hướng Hóa. Từ đây, rẽ trái đi thêm gần 30 cây số nữa thì gặp trụ sở UBND xã A Túc nằm về phía bên phải.

Hỏi chị Căn Linh nuôi trẻ mồ côi, làm việc ở xã, một nam nhân viên văn phòng xởi lởi cho biết, chị làm Phó Chủ tịch HĐND xã, rồi vui vẻ dẫn tôi đi gặp chị.

Ban đầu, chị không muốn kể về việc mình nuôi trẻ mồ côi, bởi theo chị, việc làm ấy là không đáng kể, rất nhiều người khác đã và đang làm biết bao nhiêu điều tốt đẹp hơn.

Nhưng tôi bảo người có tấm lòng như chị cần được xã hội biết đến rộng rãi để số người làm việc tốt ngày càng được nhân lên, chị mới đồng ý.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1986, khi ấy chị Căn Linh đang làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Túc. Hàng ngày sau giờ làm việc  ở xã, chị thường đến thăm hỏi, động viên và tìm cách giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn trên địa bàn.

Một lần, đến thăm gia đình chị Hồ Thị Tèn, ở cùng bản, chị thấy người phụ nữ này đang trong cơn bạo bệnh, nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo, người chồng cũng thường xuyên ốm đau, mất sức lao động, nên không có điều kiện để chạy chữa.

Chị liền về nhà gom hết những đồng tiền lương và tiền bán hơn 2 sào sắn củ do chồng chị làm lụng vất vả suốt nửa năm, đem sang giúp đỡ gia đình hàng xóm.

Tuy nhiên, chị Tèn cũng chỉ cầm cự được hơn 10 ngày sau thì mất. Căn nhà sàn nhỏ bằng lều vịt, lợp tre-nứa-lá sớm tối chỉ còn người cha Hồ Văn Tỏa bệnh tật cùng với 3 đứa con thơ dại 10 tuổi, 8 và 2 tháng tuổi chăm sóc lẫn nhau.

Chị Căn Linh, anh Côn Linh và bé Hồ Thị Miếc chăm sóc cho thành viên nhỏ nhất trong gia đình.

Chị Căn Linh, anh Côn Linh và bé Hồ Thị Miếc chăm sóc cho thành viên nhỏ nhất trong gia đình.

Chưa đầy 6 tháng sau, anh Tỏa cũng mất, bỏ lại 3 đứa con bơ vơ không nơi nương tựa. Thấy hoàn cảnh 3 đứa nhỏ quá tội nghiệp, chị Căn Linh bàn với chồng đem cả 3 đứa trẻ mồ côi này về nhà mình chăm sóc, nuôi nấng.

Chị vừa kể vừa nhìn xa xăm qua ô cửa sổ cạnh chiếc bàn làm việc của mình. Dường như trong lòng chị vẫn còn điều gì đó xót thương, chưa thỏa mãn.

“Ba đứa trẻ mồ côi là Hồ Văn Dưa, Hồ Văn Dành và Hồ Thị Pưn. Nhưng 10 năm sau kể từ ngày vợ chồng chị chăm ẵm chúng nó, thằng Dành bỏ anh và em nó mà đi trong một cơn bệnh đột ngột.

Buổi sáng, nó còn chạy nhảy với mấy anh em trong nhà, đến trưa nó bỗng sốt cao, máu chảy ra các chân răng rồi lịm đi. Chị liền đưa nó ra trạm y tế xã, nhưng các y tá ở đây bảo cháu đã không qua khỏi”, chị vừa kể vừa rơi nước mắt.

Sau nhận nuôi 3 đứa trẻ mồ côi, không ai nghĩ vợ chồng chị Căn Linh sẽ tiếp tục làm công việc từ thiện này, bởi điều kiện kinh tế của gia đình họ trở nên rất khó khăn, bên cạnh những đứa trẻ mồ côi là 4 đứa con ruột đang tuổi ăn tuổi học.

Song 3 năm sau, vào năm 1989, họ lại tiếp tục làm công việc ấy mà không một chút đắn đo, suy nghĩ. Lần này, họ đem về nuôi nấng, cưu mang giúp đỡ những 4 con người, gồm 3 đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ là Hồ Văn Thiệt (32 tuổi), Hồ Thị Tha (30 tuổi), Hồ Thị Thiệp (29 tuổi) và bà nội của các cháu đã ngoài 80 tuổi, không còn khả năng lao động.

Hỏi về việc làm lần này, chị Căn Linh bộc bạch: “Vợ chồng chị có kịp suy nghĩ gì đâu, thấy các cháu cha mẹ đều mất, không có nơi nương tựa nên mang các cháu về thôi. Sau khi đã mang về mình cũng rất lo, vì không biết lấy gì cho các cháu ăn.

Thế là ngoài giờ làm việc ở ủy ban, chị tích cực, chịu khó lên nương rẫy làm công việc đồng áng với chồng; việc gì chị cũng làm được, từ phát cây đến cuốc đất để trỉa lúa, trỉa ngô. Sau nữa, chị tự vào rừng tìm hái măng tre, lội suối bắt ốc, bắt cá để lo bữa ăn cho các cháu và gia đình”.

Chưa hết, vào năm 2005, khi ấy chị vừa chuyển từ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Túc sang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐND xã này, một lần vào xã Pa Tầng cách A Túc chừng 15km công tác, thấy hoàn cảnh chị Hồ Thị Tiêu quá cực khổ, chồng vừa mất do lâm trọng bệnh, bản thân suy nhược vì lao động nặng, 3 đứa con đều đang nhỏ dại (Hồ Thị Hà 9 tuổi, Hồ Thị Hin 7 tuổi, Hồ Thị Hội 3 tuổi), nên chị lại một lần nữa không chút đắn đo, dang rộng vòng tay nhân ái sẻ chia, cưu mang đùm bọc tất cả họ.

Căn nhà của chị vốn nhỏ hẹp nay thêm 4 con người lại càng khó khăn hơn trong sinh hoạt. Song chị, chồng và các con không vì thế mà cảm thấy bị phiền hà, ngược lại họ luôn luôn vui vẻ, đối xử tử tế với mọi người, động viên mọi người sống vươn lên hết mình!

Tiếp đến vào năm 2014, chị Căn Linh lại đem về nuôi nấng, cưu mang 3 mẹ con mồ côi chồng, cha khác là chị Hồ Thị Tía và các con Hồ Thị Miếc, Hồ Thị Muộn, ở xã Xy, Hướng Hóa. Tôi ngỏ ý về thăm nhà chị, nhưng ý từ chối.

Sau này tôi biết, chị từ chối không phải giấu giếm điều gì hay vì không hiếu khách, mà vì chị ngại với khách về căn nhà “ổ chuột” của mình.

Tôi để ý, bất cứ ở đâu trong căn nhà nhỏ hẹp đó đều có thể trở thành chỗ ngủ. Vì nhà quá đông người, họ đã phải tận dụng các tấm bìa các tông, chiếu nhựa cũ do người khác thải ra, kê lót vào một khoảng trống nào đó có thể ngủ được.

“Thực ra, chị chỉ ngại với khách lạ vì nhà cửa thế này, chứ trong lòng chị luôn tự hào về nó; dẫu nhỏ hẹp và rách nát, nhưng với chị và mọi người ở đây, nó là một “pháo đài” kiên cố được xây dựng nên bởi tình yêu thương, và ở trong “pháo đài” này, con người ta có thể chiến đấu chống lại mọi khó khăn vất vả của đời sống để xây đắp nên tương lai rộng mở ở phía trước!”, chị chia sẻ.

Khi chị ẵm bồng đứa trẻ nhỏ nhất trong nhà, tôi để ý, người phụ nữ giàu tình yêu thương ấy có khuôn mặt trông rất phúc hậu, đôi mắt nhìn lúc nào cũng hiền từ, toát lên sự bao dung và chia sẻ sâu sắc.

Nhưng đôi tay chị thì khác, to sần sùi và rám nắng, không như bàn tay của người làm công tác bàn giấy lâu năm. Mà cũng đúng thôi, vì ngày nào cũng vậy, ngoài thời gian làm việc ở xã, chị cùng chồng xoay xở, làm lụng với đủ thứ công việc bằng tay chân để kiếm cho được cái ăn, cái mặc cho cả mấy chục con người.

Chị bỗng chảy nước mắt khi nói đến những đứa con của mình: “Chúng ngoan lắm, biết gia đình đông người, vất vả nên rất nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau.

Có lần, chị thấy dép của mấy đứa con đã mòn vẹt, đứt quai, nên loay hoay bên đàn gà với ý định bắt bán vài con để mua dép mới cho chúng.

Thế mà chúng biết được suy nghĩ của mẹ, cả mấy đứa liền ra đứng bên mẹ, bảo: Mẹ ơi, bọn con khắc phục được, chỉ là đứt quai, mòn tí thôi không sao đâu!. Rồi chúng cặm cụi cùng nhau cắt dán lại quai và đế dép để đi học”.

cô nhi viện

Chỗ rộng nhất của căn nhà, vừa làm nơi ăn uống, ngủ nghỉ, vừa là nơi học tập của các cháu.

Điều ít ai nghĩ, nuôi một đàn con như thế, vợ chồng chị có thể lo cho tất cả đến trường. Song, họ đã làm được điều ấy và rất kỳ diệu.

Các con đẻ, con nuôi của họ không chỉ được đến trường học hành cái chữ, mà còn học rất giỏi giang so với bạn bè cùng trang lứa, và nhất là ở vùng miền núi với điều kiện kinh tế, học tập còn nhiều khó khăn, hạn chế này.

Hiện tại, Hồ Thị Pưn, đứa trẻ mồ côi mà chị ẵm bồng, nuôi dưỡng đầu tiên đã trở thành giáo viên Trường Mầm non xã Xy, Hướng Hóa.

Những trẻ mồ côi khác như Dưa, Thiệt, Tha, Thiệp, Hà, Hin, Hội… nay đã khôn lớn, trưởng thành, được vợ chồng chị dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa ở riêng, làm ăn ổn định. Những trẻ nhỏ như Miếc, Muộn… ngày ngày cắp sách đến trường trong tình thương yêu ngọt ngào của gia đình, thầy cô và bè bạn.

Nói tới việc làm của vợ chồng chị Căn Linh, già làng Côn Huôn (80 tuổi), bản Tăng Cô hết lời khen ngợi và chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc về họ:

“Hồi cưới con Pưn (2010), vì thấy điều kiện kinh tế của nhà Căn Linh, Côn Linh quá khó khăn nên già và bà con ở đây khuyên vợ chồng họ chỉ nên làm phong tục chứ không nên tổ chức cưới hỏi vì sẽ rất tốn kém. Nhưng cả vợ lẫn chồng đều không muốn làm như thế.

Họ bảo, cưới đứa đầu tiên nên phải cố gắng. Hơn nữa, vì con nuôi nên phải cố gắng; sau này đến lượt con đẻ mà có điều kiện cưới hỏi đàng hoàng, trong khi con nuôi không làm được, thì nó sẽ rất tủi thân. Thế là họ quyết định vay mượn tiền của để tổ chức lễ cưới cho con đàng hoàng”.

Vợ chồng chị Căn Linh chia sẻ thêm, việc chị và chồng nuôi được những đứa trẻ mồ côi, chăm lo cho chúng học hành cái chữ, dựng vợ gả chồng cho chúng, một phần nhờ vào tình cảm của bà con bản làng.

Những lúc bà con thấy gia cảnh chị quá cơ cực, nhà có lúa thì đóng góp lúa, nhà có sắn thì đóng góp sắn để chị có thêm lương thực, nuôi các trẻ mồ côi.

Tuy nhiên, do con cái quá đông, trong khi phần lớn thời gian chị dành làm việc ở xã, anh Côn Linh làm Công an viên mỗi tháng chỉ được hơn triệu đồng, chị vì thế muốn nghỉ hưu sớm để có điều kiện phụ giúp thêm chồng con chăm sóc gia đình.

Tôi hỏi ông Hồ Trung Lập, Bí thư Đảng ủy xã A Túc về điều này, ông Lập đặt bàn tay lên trán, chống khuỷu tay xuống bàn một hồi lâu mới nói:

“Chị Căn Linh trình bày điều này với xã từ hơn 1 năm nay, nhưng tìm được một người làm việc vừa siêng năng, nhiệt tình vừa sáng dạ như chị Căn Linh thật khó.

Ngoài ra, chị không chỉ đảm việc nhà, giỏi việc nước, mà còn sống rất chan hòa, tình cảm sâu sắc với mọi người, ai cũng trân trọng, quý mến chị nên không ai muốn chị rời cơ quan sớm!”.

Phan Thanh Bình (Theo CAND)

Theo Đời sống
back to top