Cỏ nến trị thận hư

Cỏ nến có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hành huyết khứ ứ, thu sáp, chỉ huyết, lợi tiểu.

Cỏ nến còn gọi là bồ hoàng, hương bồ, bồn bồn có tên khoa học là Typha orientalis G.A.Stuart, dùng làm thuốc người ta lấy phấn hoa (nhị đực của hoa). Nên chọn hoa hình trụ tròn dài, dùng nhị đực ở trên phơi khô dùng dần, loại màu vàng óng ánh, không hạt, nhỏ, nhẹ, xốp, không lẫn tạp chất là tốt. Thứ hơi nâu là kém.

Cỏ nến mọc hoang nhiều nơi đầm lầy. Cỏ nến có vị ngọt, tính bình, vào kinh can, thận và tâm bào có tác dụng hành huyết khứ ứ, thu sáp, chỉ huyết, lợi tiểu. Chủ trị các chứng tâm phúc thống, sau sinh đau do ứ huyết, đau bụng kinh, các chứng xuất huyết như lạc huyết, nục huyết, thổ huyết, niệu huyết, tiện huyết, băng lậu, chấn thương xuất huyết, chứng huyết lâm, tiểu đau, khó đi tiểu. Dưới đây là một số bài thuốc.

- Trị sa trực trường dùng: Cỏ nến trộn mỡ heo bôi vào ngày 3-5 lần.

- Trị thận hư, lậu hạ không cầm, tử cung xuất huyết: Cỏ nến 176g, đương quy 80g, lộc nhung 176g tán bột, ngày uống 3 lần/2g uống với rượu. Tác dụng bổ thận, dưỡng huyết, chỉ huyết.

- Trị ho ra máu, tiêu ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết: Cỏ nến (than) 9g, rượu và nước mỗi thứ một nửa sắc uống.

- Trị chảy máu do sang thương: Cỏ nến nửa lượng uống với rượu nóng.

- Chữa chảy máu cam, kinh nguyệt không điều: Cỏ nến 80g, thạch lựu (hoa) 40g tán bột mỗi lần dùng 4g. Tác dụng lương huyết, hóa ứ, thu liễm.

- Trị các loại bệnh thuộc huyết sau khi sinh như huyết tích, rong huyết: Cỏ nến sao đen 12g, thán khương 10g, đậu đen sao 20g, trạch lan 12g, đương quy 14g, xuyên khung 12g, ngưu tất 12g, sinh địa 20g sắc uống.

Cỏ nến phá huyết vì vậy trị được những chứng hòn cục trong bụng, ngũ lao thất thương, huyết tích ứ, đau trước ngực làm nôn ra máu, chảy máu cam thì phải dùng bồ hoàng làm thuốc chính để lương huyết, hành huyết. Người âm hư và không ứ huyết kiêng dùng.

Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)

Theo Đời sống
back to top