Có nên thi lại, “phục thù” vào trường mình thích?

(khoahocdoisong.vn) - Giữa việc ở nhà một năm chờ thi lại và việc học luôn một ngành mình trúng tuyển năm nay nhưng không yêu thích lắm là đòn “cân não” với nhiều thí sinh. Vậy nên quyết định thế nào?

Hầu hết thi lại đều không vượt qua số điểm lần đầu

Ngay khi các thí sinh biết điểm chuẩn xét tuyển đại học, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã nhận được rất nhiều những câu hỏi, tâm sự của thí sinh liên quan đến việc thi lại.

Trong đó có tâm sự của một thí sinh rất yêu thích ngành Y và muốn làm bác sĩ. Năm 2017, thí sinh thi được  trên 25 điểm và cứ ngỡ sẽ đỗ, cuối cùng chỉ đỗ vào Kỹ thuật hình ảnh của Y Hải Dương. Thí sinh đã bỏ không học. Năm 2018 và 2019 em thi lại, kết quả là >21,5đ và vẫn chỉ đỗ vào Kỹ thuật hình ảnh của Y Hải Dương.

Câu chuyện trên cho thấy rằng việc thi lại không hề là giấc mơ màu hồng. Thực tế cho thấy, phần lớn - rất lớn các em thi lại đều không thể vượt qua mức điểm đã đạt được lần đầu, hoặc nếu có thì cũng không quá nhiều.

Theo ông Ngọc, các thí sinh không nên bị ảo tưởng bởi mấy cái khẩu hiệu "không bỏ cuộc/kiên trì/theo đuổi đam mê" mà trước khi quyết định có nên thi lại hay không, cần phải suy nghĩ kỹ, thận trọng.

Hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng xem năng lực của mình tới đâu và mình có thể cố gắng được tới mức nào

Phải đánh giá được những được/mất, phải tự đánh giá được giới hạn phấn đấu của bản thân và khả năng đỗ/trượt khi thi lại.

Phải thực sự hiểu rõ mình muốn điều gì nhất.

Nếu đã đỗ vào trường/ngành nào rồi thì hãy thử tìm hiểu thật kỹ và học cách yêu nó, trước khi nghĩ đến việc thi lại.

Ông Ngọc kể, một nữ thí sinh gọi điện trình bày em được 24,25đ và đã đăng ký 9 nguyện vọng vào ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng cuối cùng chỉ đỗ NV9 là Quản lý công. Em không muốn học và định ra Hà Nội để học ôn thi lại.

Thí sinh đã không biết rằng, ĐH KTQD cho phép các sinh viên được học song song hai bằng chính quy. Trong đó, các môn học trùng nhau được công nhận kết quả ngay.

Như vậy, cho dù em có đỗ vào KTQD ở ngành Quản lý công thì sau học kỳ 1, em có thể học tiếp Kế toán/Kiểm toán/Marketing/Logistic/ ..... và ra trường được cấp bằng chính quy như các bạn khác.

“Cho nên, tôi đã luôn nói với các em cần phải hết sức bình tĩnh. Tuyệt đối không quyết định điều gì vội vàng”, ông Vũ Khắc Ngọc nói.

Có sinh viên chia sẻ: Sao nhiều bạn muốn thi lại để học đúng trường ước mơ quá. Trong khi công việc và lương bổng phụ thuộc phần lớn vào năng lực, kỹ năng, ngoại ngữ và kinh nghiệm.

Bằng cấp ở trường nào chỉ một phần rất nhỏ. Để làm kế toán ngoài bằng đại học, khi đi làm người ta còn xem xét đến các chứng chỉ chuyên nghiệp ACCA, CIMA, CFA etc, CPA Úc..., kỹ năng excel, khai báo thuế, tiếng Anh.... Sao các bạn không dành thanh xuân để luyện tập các kỹ năng này có phải tốt hơn là 1 tấm bằng đại học mơ ước?.

Theo ông Ngọc, đó là một ý kiến rất đáng suy ngẫm, các em nên tham khảo.

 “Tôi không bảo các em hoàn toàn không được thi lại.Vẫn có em thi lại và đỗ. Nhưng cái giá phải trả lúc nào cũng không nhỏ. Ví dụ như trường hợp một bạn học Học viện Quân y 3 năm rồi mà thi lại Y Hà Nội, dù đỗ - cái giá bạn dùng để đánh đổi là lớn quá ”, thầy Vũ Khắc Ngọc. Và nếu đã xác định học để thi lại thì phải học với quyết tâm cao nhất. Không nên chán nản. Nếu không, phải học thật tốt ngành đã “trót” đỗ.

Xã hội tương lai cần tri thức hơn bằng cấp

Đồng quan điểm với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giảng viên Ngô Hoàng Đức (ĐH Mở Hà Nội) chia sẻ, khi quyết định thi lại, các thí sinh phải cân nhắc, hết sức thận trọng.

Với các thí sinh thực sự quá yêu thích một ngành của một trường nào đó, mà số điểm thi năm nay gần chạm ngưỡng đỗ, thì có thể ôn tập để sang năm thi lại với một quyết tâm phải thực sự cao.

Còn với những thí sinh điểm quá cách xa, hoặc tự thấy mình không đủ kiên trì thì không nên mạo hiểm.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, bằng đại học được đào tạo theo hình thức chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông đều có giá trị ngang nhau.

Đây là một cơ hội mới cho các thí sinh, xã hội tương lai sẽ cần năng lực, tri thức hơn là bằng cấp.

Theo ông Đức, hiện nay chủ trương của Bộ GD&ĐT hướng tới phân luồng giáo dục. Trường đại học đào tạo ra các kỹ sư, còn các trung tâm dạy nghề đào tạo ra những người thợ.

Xã hội cần thầy, nhưng cũng cần cả thợ. Các thí sinh phải tự xác định được năng lực, sở trường của mình. Nếu cảm thấy không thể theo đuổi được con đường học lên cao, thì nên xác định sớm, đi học một nghề nào đó.

Thực tế, có những em học nghề ra trường đã rất thành công, thu nhập cao  gấp nhiều lần sinh viên đại học ra trường. Như vậy, không phải cứ học nghề là không tốt, mà quan trọng, khi có nỗ lực và đam mê, thì dù học đại học hay học nghề cũng sẽ dễ có được thành công.

Có một số thí sinh băn khoăn giữa việc đỗ nguyện vọng mình không yêu thích, vậy có nên cứ đi “học tạm” hay không, theo ông Ngô Hoàng Đức, các em nên học những ngành mình yêu thích. Ví dụ, ngành khoa học giáo dục, năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội mở ngành đầu tiên, tương lai sẽ là ngành cực kỳ hot.

Nhưng giả sử nguyện vọng không đậu vào ngành đó, thì cũng có thể học công nghệ thông tin, điện tử… hoặc cố gắng nghiên cứu những tài liệu bên ngoài để đi theo hướng như vậy thì sau sẽ thành công, chứ không nên học ngành quá khác biệt với sở thích của mình.

Đối với các thí sinh phân vân có nên “học tạm” một trường nào đó, để “ăn chắc” đỗ đại học, rồi vừa học vừa ôn thi, ông Đức cho rằng nên cân nhắc. Không chỉ vì vấn đề học phí, tiền bạc, mà về thời gian. Các em sẽ thấy, mình bị cuốn vào các môn học, rồi áp lực, rất khó có  thời gian chuyên tâm vào học ôn để thi lại

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top