Có nên “siết chặt” nguồn vốn tín dụng vào bất động sản?

Theo các chuyên gia, các chính sách ngăn luồng tín dụng đối với dự án đầu tư bất động sản (BĐS) khi thị trường có dấu hiệu sốt đất, thổi giá là động thái cần thiết. Tuy nhiên, chính sách không nên thực thi theo kiểu cào bằng, cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp, không gây tác động xấu tới thị trường.

Người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó

Động thái kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước liên tục gần đây đã khiến dòng vốn này đang có dấu hiệu chững lại khi một số nhà băng đã thông báo hạn chế. Không chỉ vậy, gần đây hoạt động phát hành trái phiếu của các công ty địa ốc cũng đang bị siết lại dẫn đến việc khó huy động vốn trên thị trường.

Chị Mạc Thị Tuyền (quận Tân Bình, TPHCM) đang có nhu cầu mua căn hộ tại chung cư Melody Residences. Do không đủ khả năng tài chính, chị Tuyền sẽ phải vay 1 tỷ đồng của ngân hàng (NH). Theo tính toán, chị phải trả cả gốc và lãi khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng, trong vòng 20 năm. Trước thông tin các NH siết cho vay BĐS, chị Tuyền lo lắng nếu không có sự hỗ trợ tài chính này thì khó có thể mua được nhà.

anh-1-18-.jpg
Chính sách không nên thực thi theo kiểu cào bằng, cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp mà không gây tác động xấu tới thị trường.

Nhiều công ty địa ốc khẳng định, do không được vay mới nên dự án không thể triển khai đúng tiến độ, dẫn đến không thể tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khách hàng. Thậm chí, do nguồn vốn tín dụng bị “khóa” đột ngột nên nhiều dự án dở dang đứng hình, tác động dây chuyền đến hàng loạt lĩnh vực khác.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group phân tích: Việc các công ty địa ốc khó tiếp cận vốn vay, nhất là vốn vay từ NH sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn. Bởi khi nguồn lực bị bó hẹp, họ sẽ rất khó tạo lập quỹ đất, chưa kể trong quá trình tạo lập quỹ đất còn phát sinh rất nhiều chi phí khác nữa.

Ngoài ra, nếu khách hàng muốn mua nhà nhưng khó vay vốn ngân hàng thì cơ hội sở hữu nhà ở sẽ càng khó hơn, đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra sản phẩm của chủ đầu tư. Chưa kể gần đây, các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản chậm trễ cũng khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm.

“Dự án càng chậm triển khai càng đẩy áp lực lên giá nhà. Cộng thêm vào đó, những yếu tố như lạm phát, cung không đủ cầu, chi phí vật tư nguyên vật liệu, chi phí quản lý dự án… ngày càng tăng dẫn đến người tiêu dùng sau cùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Phúc nhấn mạnh.

Không nên siết chặt một cách cực đoan

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, thị trường BĐS đang ở thời điểm tương đối nhạy cảm, liên quan đến nhiều vụ việc của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn, dẫn đến việc ngân hàng quản lý chặt chẽ tín dụng đối với thị trường này. Tuy nhiên, sự điều chỉnh về chính sách của các ngân hàng đang quá bao quát, không phân luồng cụ thể. Vì vậy, có sự ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp BĐS.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, quy mô ngành BĐS của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 có thể lên đến 22% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế. BĐS từ lâu được xem là đầu tàu của cả nền kinh tế, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, ăn uống và tài chính, ngân hàng…

BĐS bị đình trệ, kéo theo sự đình trệ của cả nền kinh tế. Trong trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS thay đổi giảm 10% sẽ kéo theo GDP giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%)…

anh-2-5-.jpg

Nếu khách hàng muốn mua nhà nhưng khó vay vốn NH thì cơ hội sở hữu nhà ở sẽ càng khó hơn, đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra sản phẩm của chủ đầu tư.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành đánh giá: “Việc siết tín dụng vào lĩnh vực rủi ro là cần thiết, nhưng không nên làm đại trà hay đánh đồng tất cả. Nếu siết hết thì không những giết chết ngành BĐS mà làm ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều ngành khác và cả nền kinh tế”.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhìn nhận, các chính sách ngăn luồng tín dụng đối với dự án đầu tư BĐS khi thị trường có dấu hiệu sốt đất, thổi giá là động thái cần thiết. Tuy nhiên, chính sách không nên thực thi theo kiểu cào bằng, võ đoán mà cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp mà không gây tác động xấu tới thị trường.

Cụ thể, tình trạng thiếu nguồn cung đã được phát hiện và cảnh báo liên tục từ năm 2020 đến nay. Hàng loạt dự án không thể nhúc nhích vì vướng cơ chế, chính sách, không ai dám phê duyệt. Nay nếu doanh nghiệp bị cắt tín dụng thì các dự án dù có được phê duyệt cũng sẽ không thể triển khai. Tình trạng thiếu nguồn cung sẽ càng trầm trọng hơn. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào BĐS đang tăng mạnh, không chỉ tiêu dùng mà cả kinh doanh, giao dịch.

“Do đó, giải pháp để cân bằng thị trường lúc này là phải điều tra, đánh giá để phân loại các dự án. Những dự án có thể tạo nguồn cung, có tính thanh khoản cao thì cần tiếp tục đảm bảo cấp tín dụng. Những dự án không có khả năng thanh khoản, đặc biệt là những dự án hình thành trong tương lai, không có khả năng tạo nguồn cung thì phải siết, tạm thời cho “ngồi yên”, chờ thị trường ổn định rồi xem xét tiếp. Song song đó, vận động các chủ đầu tư dù hình thành cung nhưng cũng đừng vì lợi ích riêng mà hét giá quá cao, dẫn đến tình trạng có cung nhưng không giao dịch được, thanh khoản khó”, GS Đặng Hùng Võ nói.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, không nên siết chặt một cách cực đoan, nên đối xử một cách công bằng, rõ ràng với các doanh nghiệp BĐS. Những doanh nghiệp nào phát triển dự án tốt, theo hướng lành mạnh nên được ưu đãi về vốn vay, tín dụng và các khoản thuế thay vì siết chặt một cách toàn bộ. Ngoài ra, cần tìm cách giải ngân vốn cho BĐS ngày càng hợp lý hơn.

Theo Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top