Có nên "phong sát" ở showbiz Việt?

(khoahocdoisong.vn) - Sau hàng loạt lùm xùm “sao kê”, nghệ sĩ lệch lạc về đạo đức, văn hóa ứng xử, nhiều ý kiến trên các diễn đàn đã bàn luận đến việc có nên thực hiện "phong sát" ở showbiz Việt.
vnp_hoaison.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Sau hàng loạt lùm xùm “sao kê”, nghệ sĩ lệch lạc về đạo đức, văn hóa ứng xử, nhiều ý kiến trên các diễn đàn đã bàn luận đến việc có nên thực hiện "phong sát" ở showbiz Việt. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, “phong sát” có thể là một bài học kinh nghiệm với Việt Nam, giúp chấn chỉnh môi trường nghệ thuật...

Người Việt duy tình rất lớn

"Sao kê" là từ khóa được người Việt tìm kiếm và thảo luận phổ biến gần đây. Là Đại biểu Quốc hội về lĩnh vực văn hóa, ông nhận định gì về vấn đề “minh bạch từ thiện” của các nghệ sĩ Việt?

Phần lớn các nghệ sĩ chỉ mới làm từ thiện bằng cái tâm mà chưa ý thức về sự chuyên nghiệp nên vướng phải những ồn ào như thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Nghệ sĩ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đứng ra kêu gọi từ thiện. Họ kêu gọi bằng hình ảnh, uy tín của bản thân thì phải chịu trách nhiệm với niềm tin của công chúng. Nhưng sau những sự việc vừa qua, đã đến lúc các nghệ sĩ cần phải nhìn nhận lại cách làm từ thiện của mình, phải có những thay đổi để hoạt động của mình được công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Việc cá nhân làm từ thiện ở quy mô lớn với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng là rất khó khăn, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, am hiểu cách thức vận hành, gây quỹ, quản lý quỹ và nắm rõ hành lang pháp lý. Nếu nghệ sĩ làm từ thiện một cách dễ dãi, không chuyên nghiệp, chủ quan sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Công bằng mà nói lỗi lại không phải hoàn toàn là do các nghệ sĩ. Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc kêu gọi tài trợ, kêu gọi từ thiện của cá nhân. Chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ những nghệ sĩ nói riêng và những cá nhân, tổ chức có mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện nói chung.

Trong khi các nước khu vực mạnh tay với các nghệ sĩ gặp lùm xùm về đạo đức thì tại Việt Nam hầu như chưa có nghệ sĩ nào bị “tuýt còi” dù có không ít scandal nghiêm trọng. Quản lý văn hóa Việt Nam có lỏng lẻo quá không thưa ông?

Văn hóa thần tượng ngày càng ăn sâu vào cuộc sống của giới trẻ hiện đại. Nhờ sự chăm chút của êkíp, những hình ảnh đưa tới công chúng luôn trau chuốt, chuyên nghiệp. Do sự thương mại hóa, nghệ sĩ luôn cần được thể hiện hoàn hảo nhất có thể. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi giới trẻ chịu ảnh hưởng bởi thần tượng và làm theo thần tượng. Việc một nghệ sĩ ứng xử như thế nào sẽ tác động không nhỏ tới hành vi của giới trẻ. Đó là lý do tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ Quy tắc ứng xử chung cho nghệ sĩ. Bộ quy tắc này, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn khác, sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều giải pháp chế tài hơn, từ nâng cao nhận thức đến xử phạt hành vi vi phạm, từ đó giúp hình thành một môi trường nghệ thuật lành mạnh hơn, có ích cho sự phát triển chung của xã hội.

Dư luận ủng hộ nhưng cũng cho rằng bộ quy tắc này chưa đủ mạnh. Nên chăng Việt Nam cũng cần có chế tài “phong sát” như Trung Quốc, Hàn Quốc?

Mỗi quốc gia có một luật pháp khác nhau. Luật pháp và văn hóa có mối quan hệ mật thiết. Luật pháp phải phù hợp với văn hóa từng quốc gia thì mới khả thi và ứng dụng được. Vì vậy, không thể áp dụng luật nước này cho nước khác. Tuy nhiên, câu chuyện “phong sát” của Trung Quốc cũng là một bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. “Phong sát” giúp chấn chỉnh môi trường nghệ thuật, định hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, khiến cho các nghệ sĩ phải có ứng xử văn minh, từ đó hình thành nên hình ảnh đẹp cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Đất nước Trung Quốc rộng lớn, có nền văn hóa lâu đời, cần quản lý văn hóa nghiêm ngặt nên phong sát có thể phù hợp với nước họ.

Tuy nhiên, với Việt Nam, cá nhân tôi cho đó chỉ là bài học kinh nghiệm, khó áp dụng giống hệt được vì văn hóa Việt Nam có yếu tố trọng tình rất lớn. Chúng ta vốn quen với các câu thành ngữ như “100 cái lý không bằng một tí cái tình”, “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, vì thế việc phong sát, nếu có, chỉ có thể là việc cấm sóng trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu nghệ sĩ không ý thức được, chúng ta tiếp tục sử dụng các biện pháp khác liên quan đến quy định về tổ chức biểu diễn hay quy định xử phạt hành chính, Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực văn hóa... Xử phạt chỉ là hình thức cuối cùng, không ai mong muốn, chứ không phải là mục đích của nhà quản lý văn hóa.

tu-thien-c.jpg

Đánh mất niềm tin là tự “phong sát”

Trong thực tế, một nghệ sĩ vi phạm đạo đức, đánh mất đi hình ảnh thì dù cơ quan quản lý không “phong sát”, nghệ sĩ đó vẫn có thể bị khán giả “tẩy chay” hay tạo ra một làn sóng “phong sát”...

Theo tôi, việc một số nhà sản xuất mời các nghệ sĩ đang có những vi phạm đạo đức nghề nghiệp tham gia vào các chương trình nghệ thuật là điều rất không nên. Dù về mặt luật pháp có thể họ không chịu bất cứ hình phạt cụ thể nào, nhưng với tư cách là một nghệ sĩ, ít nhất họ cũng nên bị dừng tham gia nghệ thuật trong một khoảng thời gian nhất định. Bởi vì, đó là một cách giáo dục nghệ sĩ để họ có kinh nghiệm về việc những gì được làm/không được làm, nên làm/không nên làm khi họ người của công chúng, được công chúng mến mộ và có khả năng ảnh hưởng đến nhận thức, thị hiếu và lối sống. Đó cũng là cách các nhà sản xuất chương trình, sự kiện tôn trọng khán giả, những khách hàng quan trọng của họ, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội và đồng hành cùng với xã hội làm trong sạch môi trường nghệ thuật. Khi chúng ta có một môi trường nghệ thuật lành mạnh, những nghệ sĩ chân chính, chúng ta sẽ xây dựng được một thị trường nghệ thuật phát triển bền vững, tôn vinh cái đẹp và những giá trị đạo đức, tạo điều kiện cho những điều tốt đẹp định hướng sự phát triển cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Vậy việc công chúng liên tiếp đòi “sao kê” trong những ngày gần đây chính là câu chuyện “mất niềm tin”. Điều đó khiến các nghệ sĩ sẽ trở nên e dè, sợ hãi, thậm chí là không muốn làm từ thiện nữa. Mà chúng ta đang trải qua dịch bệnh Covid-19 với muôn vàn khó khăn...

Sau vụ “sao kê” sẽ có nhiều người e dè, thậm chí không muốn làm từ thiện nữa, vì họ sợ lòng tốt của mình lại bị nghi ngờ, bị chất vấn và không muốn vướng vào những lùm xùm không đáng có với sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, với những người thực tâm muốn làm điều tốt, muốn được giúp đỡ những mảnh đời gặp khó khăn, họ sẽ không quản ngại những điều đó mà thậm chí sẽ có thêm động lực để làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch hơn, được công chúng tin tưởng hơn. Việc minh bạch cũng sẽ trả lại môi trường trong sạch cho hoạt động từ thiện. Người làm từ thiện sẽ không phải đối diện với những nghi ngờ hay ồn ào như trong thời gian vừa qua. Còn công chúng sẽ có thêm niềm tin và động lực để làm từ thiện nhiều hơn nữa.

Trước yêu cầu đòi sao kê của công chúng, một số nghệ sĩ minh bạch giải trình, nhưng cũng có những người im lặng hoặc vội vàng khắc phục hậu quả. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách hành xử riêng, dựa trên hoàn cảnh thực tế của mọi người. Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu người nghệ sĩ làm từ thiện bằng lòng tốt, bằng thiện tâm, bằng mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, không vụ lợi, dối gian thì nếu có sai sót nào đó, công chúng cũng sẽ hiểu và bỏ qua. Còn những người mượn danh từ thiện để trục lợi thì chắc chắn sẽ nhận phải hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh nghệ sĩ của họ.

Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn sinh ngày 24/10/1975, quê xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top